Tinh hoa Việt

Tháng Mười

ĐÔNG NGÀN 14/11/2024 10:01

Tháng Mười trời hanh heo, là vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm của người nông dân. Tháng Mười, là tháng theo cha mẹ ra đồng gặt lúa. Bố mẹ gặt, còn mình bắt muỗm.

Ôi nhớ lắm những con muỗm xanh béo nẫn, nhưng chú muỗm gỗ có bộ cánh màu rơm khô, bàng bạc trắng cũng béo trục béo tròn. Khi những chân rạ cuối cùng trong mảnh ruộng bị cắt xuống, không còn chỗ trú, chúng luống cuống xoay sở cái thân ục ịch một cách khó nhọc để tìm chỗ ẩn nấp, nhưng chỉ là những cố gắng bất lực. Không biết chúng ăn gì khi lúa trên đồng hạt khô thân khô lá lúa cũng khô xác mà vẫn béo mập như vậy?

Tôi nhớ Tháng Mười vì đã từng cắt lúa xén lúa, làm tất cả những việc này trong mùa thu hoạch ở tuổi hai mươi. Cái liềm xén to hơn hai lần liềm cắt. Độ cong vòng mở rộng như mỏ chim Giang. Khi lúa cắt ngả thành từng món sắp hàng trên mặt ruộng khô nẻ thì thợ xén bắt đầu vào việc. Tay trái vén mô lúa, tay phải cầm liềm, lúa được tay thu gọn thành một chét ốp vào chân trái. Lúc này liềm lùa xuống dưới, được kéo lên một nhát xoẹt là cum lúa nằm gọn trong tay. Cứ ba tay xén được một lượm to.

Những ngày tháng Mười, chân trái thợ xén lúa không ai còn tí lông nào vì cọ xát với gốc rạ, lông chân đứt sạch. Tôi da chân mỏng còn bị xát, đỏ hỏn, cổ chân như cổ gà chọi. Không thể quên được những ngày từng làm thợ xén lúa. Tuổi hai mươi mà về nhà sống lưng đau sụn, nằm cả đêm sáng ra mới thấy đỡ. Tháng Mười, sau một ngày trên đồng, tối đến mọi nhà thường xếp lúa vòng tròn trước sân rồi đứng trong dắt chạc điều khiển bốn con trâu đạp lúa. Muốn có trâu đạp lúa thì phải hỏi mượn từ hôm trước. Trẻ con như tôi được phân công trực sẵn, tay khư khư cái sọt trong lòng phủ lớp rơm để sẵn sàng hứng phân. Sau một ngày ăn uống no nê, lúc đạp lúa trâu hay hồn nhiên đứng ị khi buồn đi. Phải bê sọt hứng nhanh không phân rơi xuống thóc.

Đạp lúa vào những đêm sáng trăng còn vui. Nếu vào ngày đầu tháng thì phải thắp đèn ba dây treo trước cửa lấy ánh sáng nhập nhoạng mà điều khiển trâu và gẩy rơm sau đó. May mà vụ lúa tháng Mười không dễ gặp mưa như vụ chiêm tháng Năm. Đạp được mẻ lúa rồi, hôm sau là ngày của mẹ và chị cào xảy nhặt nhạnh hết rác vụn, chỉ còn hạt thóc trên sân. Phải thêm dăm ngày phơi nắng, khi cắn hạt giòn cấc là được. Đó là khi rơm lên đống, thóc vào bồ. Nghe quy trình thì đơn giản, nhưng có năm thấy mẹ phàn nàn, mẻ gặt này phơi thóc bị gió tây, gạo bị trợn, hạt gẫy nhiều tấm, cơm mất ngon. Lúc ấy tôi chẳng hiểu sao lại thế, gió tây là gió gì thổi vào lúc nào. Có những kinh nghiệm nhà nông cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu nổi.

Tháng Mười, sau ngày gặt một tháng là bắt đầu cày ải, xới đất lên phơi dưới nắng hanh heo khoảng một tháng nước trong đất bốc hơi, đất khô nỏ. Trong thời gian đó mọi nhà chuẩn bị cho cái tết âm lịch. Ăn tết xong, nước được bắt vào đồng. Khi đất khô ải thì nước đi đến đâu đất mủn ra đến đấy. Chỉ vài dược bừa là đất nhuyễn cùng phân chuồng phân xanh đã được ủ kĩ rải ra mặt ruộng trước khi bắt nước vào. Tháng Mười, cũng có khi gặt xong, vài nhà tranh thủ cày đất, đánh luống gơ vội mấy sào khoai lang ngắn vụ, vừa lấy rau xanh ăn, vừa được thêm ít củ và đất cũng được cải thiện thêm màu. Nhưng thuở ấy, cũng ít nhà làm, vì sao không rõ, nhưng có thể cũng do người nông dân lúc ấy ít tính năng động.

Quê tôi đất Bản Ngoại năm hai vụ lúa chiêm mùa. Nhưng vụ lúa chiêm ngắn ngày, hay phải gặt chạy mưa, ruộng lầy thụt, không để lại cảm giác thú vị như thu hoạch lúa vụ mùa. Nhớ về quê, với tôi là nỗi nhớ tháng Mười, là nhớ mùa thu hoạch và chờ đón cái tết bánh chưng cổ truyền vui nhất trong năm!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng Mười