Gần đây, một số bộ phim chiếu trên nền tảng Netflix có nội dung xuyên tạc về Việt Nam khiến dư luận khán giả trong nước bất bình. Đã đến lúc cùng với các giải pháp từ các cơ quan chức năng, khán giả phải bày tỏ thái độ của mình bằng cách tẩy chay các nền tảng này nếu tình trạng vẫn tiếp diễn.
Khán giả tiên phong
Thời gian gần đây, theo dõi phim được chiếu trên Netfix, khán giả bức xúc vì có những bộ phim chứa tình tiết xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Cụ thể, mới đây nhất Việt Nam đã yêu cầu công ty sản xuất và nhà làm phim tài liệu "MH370: Chiếc máy bay biến mất" phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, đồng thời gỡ bỏ và sửa đổi những nội dung không phù hợp.
Đây không phải là lần đầu Netflix bị yêu cầu gỡ bỏ những bộ phim xuyên tạc sự thật về Việt Nam.
Năm 2022, theo dõi bộ phim "Little Women" (tựa Việt: Ba chị em) trên Netflix, không ít khán giả phát hiện và nhận ra rằng bộ phim nhắc đến yếu tố chiến tranh và xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Trước đó, Netflix từng bị phản ứng vì một số bộ phim công chiếu trên nền tảng này xuất hiện hình ảnh bản đồ hình lưỡi bò như “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Put Your Head On My Shoulder”, “Pine Gap”... Những phim này đều phải gỡ bỏ sau yêu cầu của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử.
Trên một vài hội nhóm về phim, nhiều ý kiến bức xúc được liên quan đến chủ đề này được cộng đồng mạng tiên phong tẩy chay. Cộng đồng những người yêu thích phim khẳng định, cần mạnh tay xử lý những bộ phim vi phạm, kêu gọi khán giả nên xem phim một cách chọn lọc.
Phần lớn người xem cũng cho rằng, dù chỉ là những chi tiết nhỏ trong phim nhưng vẫn đáng chú trọng để bảo vệ những giá trị lịch sử của dân tộc.
Cơ quan chức năng đồng lòng
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng.
Ông Nguyễn Hà Yên cho rằng, đặc điểm chung của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là cung cấp các nội dung giải trí nước ngoài hết sức đa dạng cho mọi lứa tuổi, gồm phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình, các loại trò chơi truyền hình thực tế, các chương trình thể thao quốc tế.
Trên thực tế, các nội dung này đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả trẻ ở khu vực thành thị. Hiện nay, để tiếp tục thâm nhập thị trường trong nước, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tích cực mua bản quyền và cung cấp trên kho nội dung một số phim điện ảnh, truyền hình của các nhà sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước.
Với quy định hiện hành, các Bộ, ngành liên quan đang nỗ lực ngăn chặn các nội dung không phù hợp, giảm tối thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Phó Cục trưởng cho hay, bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai các biện pháp kỹ thuật sẵn sàng ngăn chặn khi doanh nghiệp không hợp tác.
Về phía Cục Điện ảnh, người đứng đầu cơ quan này, ông Vi Kiến Thành cho hay, những bộ phim xuyên tạc lịch sử thường sẽ do các đơn vị, tổ chức nước ngoài sản xuất. Như vậy, các cơ quan quản lý chỉ được phép xử lý khi họ phát hành thông tin trên không gian mạng vào Việt Nam.
Trước thực trạng có nhiều bộ phim xuyên tạc lịch sử xuất hiện, phía Cục Điện ảnh khẳng định sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử phạt theo quy định tại Nghị định 128, sửa đổi bổ sung.
Nghị định 128/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 15/2. Trong đó, một số quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh được quy định tại Nghị định 38/2021 sẽ được sửa đổi.
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với cá nhân (80-100 triệu đồng đối với tổ chức) có các hành vi: Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng…
Đồng thời, các trường hợp này phải đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh 1-3 tháng. Buộc cải chính thông tin sai sự thật, xin lỗi cá nhân bằng văn bản…