Thăng trầm của vàng

Minh Phương 02/01/2023 09:30

Vàng – thứ kim loại quý được cả thế giới quan tâm, đã đi qua một năm nhiều biến động. Những tác động của nền kinh tế thế giới, lạm phát, xung đột Nga - Ukraine... đã làm rung lắc thị trường vàng trong cả năm 2022.

Giá vàng trong nước chênh rất cao so với giá thế giới. Ảnh: Quang Vinh.

Giá vàng thế giới đang dao động quanh ngưỡng 1.800 USD/oz trong những ngày cuối của năm 2022. Trong nước, giá vàng miếng SJC bán lẻ chững ở vùng 66 – 67 triệu đồng/lượng suốt từ khoảng tháng 8/2022 đến nay. Nếu so với thời điểm giá vàng đạt đỉnh đến 74 triệu đồng hồi tháng 3 năm nay, thì thời điểm này, vàng đã bị hao hụt tới 5-6 triệu đồng/ lượng. Song nếu nhà đầu tư nào nắm giữ vàng từ thời điểm cuối năm 2021, kim loại quý này vẫn mang lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/lượng, tương đương lãi khoảng 7,3%.

Nhưng đó là điều chỉ xảy ra với nhà đầu tư vàng trong nước. Vì ở thế giới, diễn biến thị trường lại có xu hướng đi ngược. Theo đó, nếu nắm giữ vàng suốt 1 năm qua, nhà đầu tư trên thị trường vàng quốc tế cầm chắc phần lỗ. Sở dĩ nói như vậy là bởi, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới thời điểm cuối năm 2021 là khoảng 1.830 USD/oz. Thế nhưng ở thời điểm cuối tháng 12/2022 (cụ thể là lúc 10h trưa theo giờ Việt Nam ngày 27/12) giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.799,5 USD/oz. Như vậy, giá vàng thế giới đã giảm hơn 30 USD/oz trong vòng 1 năm, tương đương giảm hơn 1,6%.

Nếu được quy đổi theo tỷ giá USD tại hệ thống các ngân hàng thương mại trong nước, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 51,6 triệu đồng/lượng. Mức này so với giá vàng miếng SJC bán lẻ, giá vàng thế giới đang bị bỏ xa với khoảng cách thấp hơn khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Như vậy, bất chấp những biến động lên xuống trồi sụt của vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn luôn neo ở mức cao và có độ chênh rất lớn đối với giá thế giới. Vấn đề này không quá khó hiểu bởi lâu nay vàng miếng SJC đã không còn được sản xuất thêm, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhiều chuyên gia cho rằng biến động giá lớn có thể đi kèm với rủi ro dù mức lợi nhuận thu về tương đối cao.

Lâu nay, kim loại quý này luôn được người dân Việt Nam coi là một loại tài sản tích trữ an toàn. Còn với nhiều nhà đầu tư, vàng cũng được xem là một kênh sinh lời hiệu quả. Nhất là khi thời điểm này, bất động sản đang trầm lắng còn thị trường chứng khoán thì vẫn chưa thoát ra không khí ảm đạm. Chính vì thế, vàng vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi tính ít rủi ro so với những kênh đầu tư khác.

Giới phân tích đều nhận định, thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường thế giới, vẫn đang “một mình một chợ”, nên diễn biến rất khó lường không theo quy luật thị trường. Ngoài ra, vàng trong nước giao dịch ảm đạm trong bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng tăng mạnh. Không ít nhà đầu tư cho biết, nhiều khả năng họ sẽ chờ giá vàng lên thêm rồi sau đó sẽ rút tiền từ kênh kim loại quý để gửi vào ngân hàng với lãi suất tiết kiệm triển vọng tốt hơn và đặc biệt độ an toàn cao hơn.

Dù các quốc gia đưa ra nhiều giải pháp thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, nhưng khả năng kiềm chế đà tăng của lạm phát là rất khó khi tình hình thế giới vẫn còn nhiều biến động, xung đột các nước còn phức tạp. Dự đoán về thị trường vàng từ nay đến cuối năm 2023, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhấn mạnh: “Việc tăng - giảm giá vàng còn nhiều yếu tố tác động, nhà đầu tư vẫn nên cần thận trọng và theo sát”.

Dự báo giá vàng năm 2023, các nhà phân tích tại Công ty Nghiên cứu Metals Focus của Anh dự đoán giá vàng trung bình sẽ giảm 10%, chạm đáy trong quý IV, ở mức thấp nhất trong 4 năm là khoảng 1.500 USD/ounce.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăng trầm của vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO