Tuyến đê biển được đầu tư hơn 50 tỷ đồng nâng cấp từ nguồn vốn ADB đang bị người dân tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bức tử vì mục đích nuôi tôm, phát triển kinh tế.
Tường chắn sóng bị đục thủng để lắp đường ống lấy nước mặn, xả nước thải trực tiếp ra biển… Việc làm này không chỉ xâm hại nghiêm trọng tuyến đê biển, gây ra tình trạng ô nhiễm bãi biển mà còn tiềm ẩn hệ lụy khó lường khi mùa mưa bão đang cận kề.
Mạnh ai nấy làm
Chúng tôi có mặt tại tuyến đê biển ở phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) và không khó để nhận thấy tình trạng người dân nuôi tôm tự phát, đục tường chắn bê tông, cốt thép, dày hàng chục cm để lắp đặt hàng loạt đường ống nhựa chạy dài trên mặt đê rồi kéo thẳng ra vùng có nước biển khoảng 200m. Việc lắp đặt này chủ yếu phục vụ cho hoạt động lấy nước biển và xả nước thải từ các đầm tôm ra biển.
Theo quan sát, khu vực nuôi tôm không nằm ngay bờ biển hay nằm trong quy hoạch vùng nuôi mà nằm phía trong khu dân cư, tập trung nhiều ở thôn Thượng Hải, Thanh Đông, Thanh Xuyên. Nhà có đất thì tự đào ao, xây bể để nuôi, ai không có đất thì thuê để nuôi tôm. Nhưng một điểm chung đó là nguồn nước mặn buộc phải lấy từ biển vào và đều thải ra biển qua hệ thống đường ống ngầm tự làm.
Để dẫn được nước mặn từ biển vào, người nuôi tôm tại đây phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua ống nhựa cỡ lớn, lắp đặt hệ thống bơm, hút qua chân tường chắn sóng của đê. Có hộ thì đục xuyên tường, hộ không đục thì dẫn ống vòng qua thân đê… mạnh ai nấy làm, nhếch nhác, hỗn độn như không hề có sự quản lý của bất cứ cơ quan chức năng nào.
Nghiêm trọng hơn, việc người dân xả thẳng nước thải từ những ao nuôi tôm ra biển đã khiến vùng biển ở đây bị ô nhiễm môi trường nặng nề.
Một người dân không có ao nuôi tôm, xin được giấu tên vì sợ bị cho là “trâu buộc ghét trâu ăn” bức xúc cho biết: Trước khi có trào lưu nuôi tôm, đây là vùng biển có bãi cát dài và đẹp khá thơ mộng, có thể làm du lịch. Tuy nhiên, từ ngày nở rộ việc nuôi tôm và xả thải vô tội vạ thì nguồn nước đã bị ô nhiễm.
“Gần 100 hộ dân nuôi tôm ngày nào cũng xả thải trực tiếp ra thì làm sao mà tắm được, ngứa ngáy, hôi thối. Chúng tôi kiến nghị mãi nào có được đâu, vẫn thấy người ta nuôi và càng ngày có nhiều hộ nuôi. Không những thế, đê bị đục như thế này thì không biết khi mùa mưa bão về có chịu đựng được không”, người dân giấu tên nói.
Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương, được biết: Tuyến đê biển Hải Thanh được sửa chữa, nâng cấp vào năm 2006. Tiểu dự án này nằm trong Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005, với tổng mức đầu tư lên đến 53,175 tỷ đồng (nguồn vốn vay ADB). Theo thiết kế, tuyến đê này dài 2.585 m và kéo dài 459 m về phía núi Thổi để khép kín tuyến đủ sức chống bão cấp 9 và đảm bảo ổn định mái kè không bị phá vỡ với bão cấp 12.
Tại Quyết định số 2509/QĐ-UBND ngày 11/9/2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt tham chiếu tiểu dự án này chỉ rõ việc nâng cấp, sửa chữa nhằm chống xói lở bờ biển, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân xã Hải Thanh (nay là phường Hải Thanh). Mặt khác tạo tuyến đường kiểm tra, cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão, đáp ứng yêu cầu giao thông nông thôn.
Không thể xử lý?
Mục tiêu đầu tư, nâng cấp tuyến đê được chỉ ra rất rõ nhưng thực tế lại cho thấy, các hộ dân nuôi tôm ở phường Hải Thanh đã và đang cố tình lờ đi Luật Đê điều để xâm hại nghiêm trọng tuyến đê này mà không hề lường trước được những hệ lụy khi mùa mưa bão được dự đoán là khắc nghiệt và nhiều bất thường đang cận kề.
Liên quan đến vấn nạn xâm hại tuyến đê biển như đã nêu ở trên, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND phường Hải Thanh xác nhận: Đúng là hiện nay trên địa bàn phường đang xuất hiện mô hình nuôi tôm tự phát của nhân dân và dẫn đến tình trạng vi phạm quy hoạch vùng nuôi, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đê điều, gây ô nhiễm môi trường biển.
Theo ông Chung, việc nuôi tôm tự phát xuất hiện đầu tiên vào năm 2017 với 1 hộ dân nhưng đến nay đã có 71 hộ nuôi tôm do lợi nhuận thu về cao trong khi nghề khai thác, đánh bắt thủy sản của bà con không phát triển và gặp nhiều khó khăn.
“Việc nuôi tôm ồ ạt dẫn đến vi phạm quy hoạch do Hải Thanh không nằm trong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản dẫn đến tình trạng xây dựng không phép. Vi phạm Luật Đê điều do các hộ dân có hành vi đào đường ven đê, đục tường chắn sóng, đặt ống nhựa xuống cống thoát nước để lấy nước và xả thải ra. Các cơ quan chức năng như Sở NNPTNT, Công an tỉnh, Hạt đê điều, UBND thị xã Nghi Sơn cũng đã về kiểm tra để có hướng xử lý nhiều lần”, ông Chung cho biết.
Được biết, trước những vi phạm của người dân, tính đến hết Quý II/2020, UBND phường Hải Thanh đã lập biên bản xử phạt hành chính về lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều 73 trường hợp. Đồng thời kiến nghị UBND thị xã Nghi Sơn xử phạt 13 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai và giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, thực tế việc xử phạt ở đây chỉ dừng lại theo kiểu “phạt cho có”, “bắt cóc bỏ đĩa” vì hiện trạng vi phạm cũ vẫn không được tháo dỡ, khắc phục hậu quả và những vi phạm mới vẫn xảy ra thường xuyên.
“Rất khó xử lý vì nếu thực hiện cưỡng chế, cắt ống dẫn nước mặn vào đồng thì tôm sẽ chết hàng loạt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương. Có thể khẳng định, nhờ nuôi tôm mà cuộc sống của người dân trong xã đã khá lên trông thấy. Làm thế nào để người dân vẫn có thể phát triển kinh tế mà không vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương…”, ông Đỗ Xuân Chung bày tỏ.