Được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học nhưng nhiều Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) tại tỉnh Thanh Hóa lại không thu hút được học viên, khiến nhiều phòng học bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
Trường nào cũng “đói” học viên
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi thì có 10 Trung tâm GDNN-GDTX. Trong đó, đa phần đều đang hoạt động cầm chừng do không tuyển được học viên. Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thường Xuân những ngày đầu năm 2022, tình trạng cửa đóng then cài, thiết bị dạy học phủ bụi trắng xóa xuất hiện trong nhiều phòng học.
Tương tự, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa hiện có 6 dãy nhà kiên cố, bao gồm các phòng học văn hóa, lý thuyết, thực hành, khu ký túc xá…
Mặc dù, hạ tầng khang trang, nhưng trung tâm vẫn vắng học viên. Theo khảo sát, mỗi năm, trên địa bàn huyện Quan Hóa có khoảng 900 - 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS với 70% các em muốn vào trường THPT, 30% còn lại định hướng theo các trường nghề và lựa chọn khác. Với 30% số “khách hàng” trên, trung tâm chỉ tuyển được 15 - 20 học viên, đạt xấp xỉ 10% kế hoạch, con số này là quá thấp.
Được biết, trong năm học 2021 - 2022, cả 3 khối tại trung tâm chỉ có 50 học viên, do vậy, không thể liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để mở lớp. Cá biệt trong 2 năm 2020 và 2021, trung tâm này không có học viên đăng ký hồ sơ tham gia học nghề.
Trường nghề miền núi gặp khó, trường nghề miền biển cũng chẳng khá khẩm hơn. Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hậu Lộc, sau khi sáp nhập năm 2017, trung tâm có thể đào tạo được 11 ngành, nghề từ sơ cấp đến trung cấp như: hàn, may, điện, chăn nuôi...
Tuy nhiên, nhiều năm nay, các lớp nghề mở ở trung tâm đa số đều ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, việc sắp xếp, bố trí giáo viên cũng gặp khó khăn. Mặc dù có tới 7 giáo viên nghề, song nhiều khi mở lớp vẫn phải mời giáo viên từ các trường khác về giảng dạy, nhất là nghề may công nghiệp, nuôi trồng thủy sản...
Chưa có lời giải
Theo ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa, mặc dù đã tiếp cận với các trường THCS và học sinh lớp 9 để tư vấn hướng nghiệp để vừa học văn hóa và vừa học nghề. Tuy nhiên, nhiều học sinh có tâm lý thích thi vào các trường THPT công lập, sau đó tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, nên công tác tuyển sinh đạt hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng đang mở rộng đào tạo các ngành nghề, có nhiều chính sách thu hút người học, càng khiến các Trung tâm GDNN-GDTX yếu thế hơn trong “cuộc đua” tuyển sinh.
Ông Lê Văn Nam - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lang Chánh cho biết: Hàng năm, trung tâm đều xây dựng kế hoạch đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, do suy nghĩ của người dân là học nghề mất thời gian và muốn đi làm thuê để có tiền ngay, nên họ không mấy mặn mà với việc học nghề.
Theo thống kê của Phòng GDNN, Sở LĐTB&XH Thanh Hóa, hiện tổng số cơ sở tham gia hoạt động GDNN trên địa bàn toàn tỉnh là 88 cơ sở, trong đó có 12 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp; 30 trung tâm GDNN...
Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp cũng tham gia dạy nghề. Giai đoạn 2016 - 2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người.
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Trưởng Phòng GDNN Sở LĐTB&XH cho biết, có 5 nguyên nhân chính khiến các trung tâm dạy nghề dù được đầu tư tiền tỷ nhưng vắng bóng học viên.
Đầu tiên, do nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề nên xảy ra tình trạng giẫm chân lên nhau.
Thứ 2, có những nghề không phù hợp với địa phương, đội ngũ giảng viên dạy nghề chắp vá... nên không thu hút được học viên.
Thứ 3, những ngành thế mạnh của tỉnh như lọc hóa dầu, sản xuất thép, quản lý và vận hành các nhà máy nhiệt điện, thủy điện... chưa được các cơ sở đào tạo, dạy nghề quan tâm, chưa có sự gắn kết giữa cơ sở với doanh nghiệp trong tỉnh.
Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy còn nặng lý thuyết chưa sát thực tế, chưa chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm... Mặt khác, việc định hướng lựa chọn ngành nghề đặc trưng của các cơ sở cũng yếu kém, dẫn đến tình trạng đào tạo nghề chồng chéo, chất lượng đào tạo chưa được quan tâm thỏa đáng. Người học ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp với chính nghề được đào tạo ra...
Thứ 5, vì tỉnh có thế mạnh về cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi nên người dân nông thôn có nhiều cơ hội tìm công việc phù hợp với thu nhập ổn định mà không cần bằng cấp, chứng chỉ nghề.
Người trong cuộc đã nhìn ra nguyên nhân, nhưng tới nay, vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm vấn đề này. Nếu để kéo dài, những trung tâm dạy nghề hoạt động kém hiệu quả, sống trong tình trạng “thoi thóp” sẽ tiếp tục đè thêm gánh nặng lên nguồn ngân sách của nhà nước. Bởi máy móc tuy không dùng đến nhưng vẫn phải duy trì, bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng thiết bị.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần rà soát lại hiệu quả hoạt động của hệ thống này để có giải pháp thiết thực tránh lãng phí kép và kéo dài.