Thanh Hóa: Tôn vinh Tổ sư nghề viết sử Việt

Nguyễn Chung 20/04/2022 21:33

Việc tổ chức hội thảo khoa học “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” như một lời tri ân, tôn vinh Tổ sư nghề viết sử Việt Nam. Thông qua đó tôn vinh nghề viết sử, khẳng định vai trò không thể thay thế của sử học trong các vương triều Trần, Lê, Nguyễn trước đây, cho đến Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.

Chiều 20/4, tại huyện Thiệu Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo Quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký”.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại cho thấy: Trong chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam lưu danh hơn 200 người con của Thanh Hoá thi đỗ tiến sĩ, trong đó Bảng nhãn Lê Văn Hưu là một trong số những nhân vật tiêu biểu.

Ông là nhà sử học, người thầy, nhà quân sự, danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 13-14.

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, từ thuở nhỏ ông đã sớm thể hiện tư chất thông minh và có chí hướng lập công danh làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Năm 18 tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng Nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần lấy Khôi nguyên.

Bảng nhãn Lê Văn Hưu là tác giả của tác phẩm lịch sử nổi tiếng “Đại Việt sử ký”, bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước công nguyên đến năm 1244).

Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen và được Ngô Sĩ Liên - sử thần thời hậu Lê căn cứ để biên soạn “Đại Việt Sử ký toàn thư”; đồng thời Ngô Sĩ Liên đã đánh giá Lê Văn Hưu là "Đại thủ bút đời Trần”.

Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có tư tưởng thấm nhuần đạo lý của Nho giáo, nên trong quá trình làm quan ông luôn yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của Nhân dân và cống hiến, phụng sự triều đình, với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng.

Ông mất vào năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung vẫn còn phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.

Bộ Quốc sử Đại Việt sử ký ngay từ khi mới ra đời đã có những đóng góp xứng tầm vào những kỳ công xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa vương triều Trần phát triển đến đỉnh cao huy hoàng. Lê Văn Hưu vì thế đã trở thành Tổ sư của nền Sử học Đại Việt - Việt Nam, tất cả đều được bắt đầu từ sự kiện trọng đại này.

Phát biểu dẫn đề tại buổi hội thảo, ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Năm nay là vừa đúng 750 năm ra đời bộ Quốc sử, tròn 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” như một lời tri ân, tôn vinh Tổ sư nghề viết Sử Việt Nam Lê Văn Hưu và thông qua đó tôn vinh nghề viết sử, khẳng định vai trò không thể thay thế của sử học trong các vương triều Trần, Lê, Nguyễn trước đây, cho đến Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo.

Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường cũng khẳng định: “Qua quá trình tổ chức Hội thảo, chúng tôi nhận thấy các vấn đề về tiểu sử, hành trạng của Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký sẽ vẫn tiếp tục phải đi sâu nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn nữa trong thời gian tới, để lớp hậu thế sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lê Văn Hưu, hướng tới chương trình kỷ niệm 800 ngày sinh của Danh nhân văn hóa lớn Việt Nam, Tổ sư ngành sử Lê Văn Hưu vào năm 2030”.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 37 báo cáo khoa học đều có chất lượng chuyên môn cao của 42 tác giả là các nhà sử học, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa, Hội Sử học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…

Các báo cáo tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: Lê Văn Hưu: Thời đại, quê hương và hành trạng; sự nghiệp sử học của Lê Văn Hưu và di sản Lê Văn Hưu và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cung cấp cho các địa phương những thông tin chính xác nhất về nhà sử học Lê Văn Hưu.

Toàn cảnh buổi hội thảo.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Tôn vinh Tổ sư nghề viết sử Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO