Chương trình giáo dục phổ thông mới: Môn Sử cận kề ‘khai tử’

Hoàng Chiến 19/04/2022 14:42

Lịch sử trở thành một trong những môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Rất nhiều giáo viên và chuyên gia đã lên tiếng phản ứng bởi lo ngại Lịch sử sẽ trở thành môn học bị “khai tử” do ít học sinh lựa chọn.

Môn Sử về đâu?

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ chính thức được triển khai từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách các môn tự chọn theo nhóm. Đáng chú ý, môn Lịch sử cũng nằm trong nhóm tự chọn này với cụm môn Khoa học Xã hội và Nhân văn (gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục kinh tế và pháp luật)

Chương trình gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục đầu ngành. Theo đó, việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn khiến nhiều ý kiến lo ngại môn học này sẽ bị “khai tử” bởi không có học sinh lựa chọn.

Trả lời PV Đại Đoàn Kết Online, cô N.T.N., một giáo viên môn Lịch sử trường THPT Ngọc Tảo (Hà Nội) băn khoăn: “Do đặc thù về độ khó cũng như chương trình nặng, khó đạt điểm cao tại kì thi, nhiều học sinh sẽ không chọn Lịch sử. Thay vào đó, học sinh sẽ có xu hướng chọn môn Địa lý hoặc môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cho dễ học”.

Môn Lịch sử vốn đã không phải một môn học gây hứng thú với đại đa số học sinh, nếu thành môn tự chọn, ngoài những em chọn theo ngành xã hội ở đại học, e rằng sẽ chẳng còn ai học Sử, giáo viên này trăn trở.

Đồng quan điểm, thầy giáo Lê Đình Hiển - giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục Tuyensinh247.com cũng đưa ra nhận định: “Việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn trong tổ hợp 3 môn coi như đã khai tử, xóa sổ nó. Dù có biện minh bằng bất cứ lý do gì, thì việc đưa môn Lịch sử là môn tự chọn ở đầu cấp THPT chính là việc tạo ra “điều kiện” và “tư tưởng” để học sinh và phụ huynh loại môn học này ra khỏi chương trình của bản thân”.

Thầy giáo Lê Đình Hiển.

Bằng nhiều năm giảng dạy Lịch sử, thầy Hiển cho biết, lứa tuổi từ 15 đến 17 quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Do đó, bậc THPT là giai đoạn tiếp thu tốt nhất về truyền thống lịch sử, truyền thống yêu nước của mỗi công dân tương lai, điều mà các cấp Tiểu học hay THCS không có được.

“Vì vậy, việc trang bị tri thức nói chung và khoa học lịch sử nói riêng trong bậc THCS chưa đủ điều kiện để hình thành truyền thống yêu nước của dân tộc, chưa đạt được mục tiêu giáo dục công dân”, thầy Hiển khẳng định.

Sẽ là một sai lầm lớn của ngành giáo dục?

Theo thầy Hiển, nếu môn Lịch sử không phải là môn học chính, bắt buộc ở bậc học phổ thông thì sẽ dẫn đến buông lỏng quản lý môn học này, làm cho đội ngũ người thầy không muốn dạy Lịch sử và học sinh cũng không muốn học môn Lịch sử.

“Khi đó lịch sử dân tộc sẽ ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm cả tiền nhân và hậu thế về sự thật lịch sử này? Đến một lúc nào đó chính thế hệ được giáo dục bằng dự thảo chương trình này sẽ quay lưng lại với tổ tiên và ông cha ta, sẽ quay lưng lại với quốc gia dân tộc”, thầy Hiển nhận định.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phản ứng gay gắt: “Sẽ là một điều tệ hại nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn. Có thể coi đây là một sai lầm lớn của giáo dục Việt Nam. Không có một quốc gia nào coi thường môn Lịch sử đến như vậy”.

Theo phân tích của chuyên gia, việc học Lịch sử không chỉ gói gọn trong những vấn đề văn hoá, giáo dục truyền thống của đất nước mà còn là vấn đề học hỏi, tiếp thu của văn minh trên thế giới.

“Trước hết phải học và hiểu về dân tộc mình, hiểu về nguồn cội mình đã phát triển ra sao, hiện nay còn vấn đề gì... Lịch sử và văn hoá thời kì hiện đại cũng vô cùng phong phú để học tập và rút kinh nghiệm.

Ở tầm của một lãnh đạo quốc gia, Bác Hồ cũng đã từng có câu nói kinh điển “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Vậy mà chúng ta lại coi thường, “bỏ” sử ta? Rồi mai đây, thế hệ sau sẽ lên án gay gắt… Đây không chỉ đơn thuần là nhãn quan khoa học nữa mà còn là nhãn quan chính trị”, chuyên gia nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông mới: Môn Sử cận kề ‘khai tử’