Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, chương trình THPT bắt đầu có sự thay đổi khi học sinh lớp 10 chính thức được tự lựa chọn tổ hợp môn học cho chính mình.
Học sinh, phụ huynh “lơ mơ”
Từ năm học 2022-2023 tới đây, học sinh lớp 10 sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Môn nghệ thuật, gồm hai phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Học sinh sẽ được chọn một trong hai phân môn (tính là 1 môn). Trừ môn Ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học ba cụm chuyên đề cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.
Sự thay đổi trong chương trình này được đánh giá có tính phân hoá cao, giúp học sinh dễ dàng định hướng được nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay nhiều học sinh lẫn phụ huynh vẫn lơ mơ, chưa hình dung được chương trình mới này sẽ triển khai ra sao.
Em Trần Phương Nhi (học sinh lớp 9, Trường THCS Cầu Giấy) cho biết: “Thời gian gần đây em có đọc báo và nghe thầy cô nói về chương trình lớp 10 mới. Tuy nhiên em vẫn chưa thực sự hiểu việc lựa chọn và sắp xếp sẽ diễn ra như thế nào. Đối với những tổ hợp môn lựa chọn ít học sinh thì có phải chuyển sang môn khác học hay không?”.
Nhi cũng bày tỏ sự ủng hộ với chương trình mới này vì cho rằng học sinh sẽ được chủ động lựa chọn các môn học yêu thích và định hướng nghề nghiệp mà không bị áp lực về điểm số.
Chị Nguyễn Thị Nhung (quận Cầu Giấy) cũng có con gái đang trong quá trình ôn thi vào lớp 10. Theo chị Nhung, chương trình mới này đã được nhiều phụ huynh bàn luận trên các hội nhóm, tuy nhiên chưa có bất cứ thông báo chính thức nào từ phía nhà trường đến với phụ huynh nên chị rất mơ hồ.
“Đến hiện tại, phụ huynh chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo nào từ chủ nhiệm lớp về chương trình mới của lớp 10 mà chỉ nghe qua các con và đọc báo. Nếu được lựa chọn các tổ hợp môn như vậy thì dễ dàng hơn cho các con trong việc tập trung ôn tập vào đại học và định hướng sau này”, chị Nhung đánh giá.
Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh và học sinh bày tỏ sự lo lắng khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ tuyển sinh vào lớp 10 nhưng chương trình học ra sao thì không có nhiều thông tin, đặc biệt là sự chuẩn bị giáo viên của các trường THPT.
Chuyển đổi là xu thế
Đánh giá về chương trình THPT mới, ông Khuất Cao Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, việc thay đổi trong chương trình THPT là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển mới của cả Việt Nam và thế giới. Trong đó điểm tích cực nhất trong chương trình này là học sinh được học theo đúng nguyện vọng, năng lực và sở trường của mình, đáp ứng đúng yêu cầu giáo dục nghề nghiệp.
Theo ông Bắc, việc chuẩn bị giáo viên cơ bản dựa trên số lượng giáo viên hiện có của nhà trường và chỉ tiêu biên chế theo hướng chuyển đổi linh hoạt. Nếu học sinh đăng kí đúng theo đáp ứng của nhà trường thì rất tốt nhưng nếu số lượng giáo viên đáp ứng không đủ, nhất là giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật thì nhà trường sẽ có kế hoạch thuê giáo viên từ các đơn vị khác.
Đối với những giáo viên thừa ra sẽ được điều chuyển sang giảng dạy các môn chung như trải nghiệm hướng nghiệp, trải nghiệm địa phương…
Mặc dù chỉ còn vài tháng nữa chương trình mới sẽ được áp dụng, tuy nhiên, ông Bắc khẳng định, dù sẽ gặp phải những khó khăn nhưng công tác chuẩn bị không có gì quá căng thẳng, các trường hoàn toàn có thể sẵn sàng triển khai khi năm học bắt đầu.
“Tuy nhiên, hiện nay hướng dẫn cụ thể để triển khai chương trình từ Bộ hay Sở vẫn chưa có nhưng về cơ bản, chúng tôi đã nắm được tinh tinh thần và sẵn sàng bắt đầu triển khai thông qua các chương trình tập huấn trước đó”, ông Bắc cho hay.
Trả lời Đại Đoàn Kết Online, PGT.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá, chương trình THPT mới chính sẽ khơi dậy năng lực của học sinh. Hiện nay, toàn bộ chương trình đã được thông qua và giáo viên các trường cũng đã được tập huấn về bộ sách giáo khoa mới. Dù thời gian chỉ còn vài tháng nhưng chắc chắn giáo viên sẽ làm được.
Đây là lần đầu tiên thực hiện chương trình mới đối với lớp 10 chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thiếu sót nhưng qua quá trình triển khai chúng ta sẽ rút kinh nghiệm dần. Bộ GDĐT sẽ ban hành những hướng dẫn cụ thể, sát sao để các địa phương thực hiện theo tinh thần mới.
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, chương trình mới sẽ khơi dậy và phát huy tối đa năng lực của học sinh. Theo đó, thầy giáo không đơn thuần là người truyền thụ 100% kiến thức nữa mà là người khơi gợi để học sinh có thể tự suy nghĩ, tìm tòi và trao đổi với nhau. Đây là cách làm, phương pháp phù hợp với xu thế nhưng cần thời gian và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả.