Hà Tĩnh được xem là “tâm lũ” của miền Trung. Thường xuyên phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, người dân Hà Tĩnh luôn tìm cách ứng phó tốt nhất. Họ xem thiên tai như là sự thử thách sinh tồn buộc phải trải qua.
“Rốn lũ” bình tĩnh đón lũ
Bước vào mùa mưa lũ (tháng 8 âm lịch), khi những đám mây đen cuồn cuộn kéo về, ông Nguyễn Trung Thiện (SN 1981, trú thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) vội vã ra đồng thu hoạch nhanh mấy sào đậu. Nếu không thu hoạch sớm, tài sản sẽ cuốn theo dòng nước lũ.
Vốn sinh ra ở mảnh đất được xem là vùng “rốn lũ”, ông Thiện tự đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân, cứ đến mùng 10/8 âm lịch, lúa, hoa màu phải được đưa về nhà, tài sản kê lên cao, trâu bò chuẩn bị di tản. Năm 2023, kinh tế gia đình dư dả hơn nên ông Thiện đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm nhà phao tránh lũ. Nhà phao được lợp bằng tôn, dựng lên bằng khung sắt và phía dưới đặt hàng chục thùng phuy được gắn kết cố định. Khi nước lũ về, những thùng phuy này sẽ nổi lên trên mặt nước, đồng nghĩa với việc nhà phao cũng nổi lên. Khi đó tài sản và tính mạng của gia đình sẽ được đảm bảo, có thể an tâm ngồi chờ nước lũ rút.
“Sống ở vùng này nên từ nhỏ tôi đã quen với những trận lũ. Đến mùa là kê cao tài sản trước, sau đó dự trữ thức ăn. Như năm nay có kinh tế hơn, làm thêm nhà phao chống lũ để đến lúc nước lên không phải lo lắng, cả gia đình cũng an tâm hơn” - ông Thiện nói.
Chỉ tay hướng về gian gỗ chính được cất lên từ năm 2012, ông Thiện chia sẻ, ở vùng này ngoài nhà phao nổi, nhà nào cũng có thiết kế đặc biệt để tránh lũ. Đó là công trình nhà có thêm gác xép xép, đây được xem là “thành lũy” cuối cùng khi nước lũ dâng lên, song cũng có những năm lũ vượt lịch sử, ngôi nhà chìm trong biển nước, gia đình buộc di tản đến nơi khác.
Ông Thiện nói, qua mỗi năm, trải qua bao nhiêu trận lũ, ở đây người dân hiểu tính mạng của mình không thể phó mặc mà phải đối đầu, tìm mọi cách để sinh tồn với nó. Không chỉ là nhà ở mà từ trong ý thức của người dân đã xây dựng một quy trình xử lý, ứng phó với lũ. Như nước lên tới đâu dọn tới đó, trâu bò đưa lên cao khi lũ vừa mấp mé và đặc biệt tính mạng luôn đặt lên hàng đầu. Khi lũ rút, nước xuống đến đâu dọn dẹp đến đó, chú trọng đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch bệnh để không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
Cũng vừa đầu tư hơn 50 triệu đồng làm nhà phao tránh lũ, chị Đặng Thị Thu Hoài, cùng trú xã Điền Mỹ không nhớ đã bao nhiêu lần cả gia đình phải tất tả chạy lũ. Mỗi khi lũ về, cả gia đình đem đồ đạc, tài sản lên gác xép để trú ẩn, nhưng có những năm thủy điện xả lũ kết hợp mưa lớn dồn dập khiến lũ dâng đột ngột, ngập sâu, tài sản không kịp di dời nên thiệt hại rất nặng. Riêng người, phải cầu cứu đến lực lượng cứu hộ đem thuyền đến di dời lên các nhà cao tầng kiên cố ở cách xã Điền Mỹ 5 - 6 km.
Cách đây hơn 1 năm, việc chạy lũ nguy hiểm và bất tiện nên chị Hoài bàn với các thành viên trong gia đình làm nhà phao. Từ đó đến nay, lũ lụt kéo về gia đình chị có thể an tâm ngồi trên nhà phao chờ nước rút, không còn lo thiệt hại về người và tài sản.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Điền Mỹ Trần Tiến Chương, đến nay toàn xã có trên 60 hộ dân làm nhà phao và 200 hộ có bè phao tránh lũ. Sáng kiến hữu hiệu làm nhà phao nổi này cũng đã giúp đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
“Ngôi nhà chung” trong bão lũ
Thôn Sơn Trình (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là vùng sâu trũng, nằm dọc hai bên sông Rào Cái, hạ du Hồ Kẻ Gỗ nên nơi đây đến mùa mưa lũ đều bị ngập sâu và cô lập. Trận lũ lịch sử năm 2020, thôn Sơn Trình chìm trong biển nước. Địa phương đã kêu gọi xã hội hóa hơn 2 tỷ đồng xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.
Nhà văn hóa cộng đồng của thôn Sơn Trình gồm 2 tầng: Tầng 1 hoạt động thể thao, giải trí; tầng 2 dùng sinh hoạt cộng đồng, có bếp ăn, khu vệ sinh. Trong điều kiện bình thường, nhà văn hóa đáp ứng các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Khi có thiên tai, lũ lụt, tầng 1 dùng để chứa gia súc, gia cầm; tầng 2 là nơi 100 người dân tránh trú.
Thôn Sơn Trình là 1 trong 105 mô hình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ của tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai. Sau trận lũ lịch sử năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 01 về phòng chống thiên tai, đến nay địa phương này đã huy động xã hội hóa gần 667 tỷ đồng xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ.
Những ngôi nhà văn hóa 2 tầng khang trang được đầu tư xây dựng ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị lũ lụt. Đây được xem là “ngôi nhà chung” của người dân mỗi khi bão lũ đến.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã “biến hóa” ngôi nhà chung này thành mô hình đặc sắc “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. Mô hình đã phát huy tối đa công năng của Nhà văn hóa cộng đồng, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người dân địa phương.