Sau loạt bài “Sông Lô bị băm nát” của Báo Đại Đoàn Kết, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã ra Quyết định Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với các đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông Lô, thuộc địa bàn huyện Sông Lô với thời gian thanh tra là 45 ngày làm việc.
Hệ thống kè sông Lô ở xã Đôn Nhân bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo ông Trần Mạnh Hùng- Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc- Trưởng Đoàn thanh tra: Bước đầu, Đoàn thanh tra đã làm việc với xã và huyện Sông Lô. Đoàn thanh tra sẽ triển khai quyết liệt và sẽ làm rõ các nội dung mà báo đã phản ánh.
Trước đó, Báo Đại Đoàn kết đã có loạt bài: “Sông Lô bị băm nát” phản ánh về việc đoạn sông Lô chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân chỉ dài hơn 4 km nhưng có tới 5 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi và 1 doanh nghiệp nạo vét, khơi thông dòng chảy. Các doanh nghiệp đua nhau “moi ruột” sông Lô khiến dòng sông Lô bị băm nát.
Kéo theo đó, diện tích đất nông nghiệp rộng lớn của nhân dân cũng “trôi tuột” xuống lòng sông sâu khiến nhiều hộ dân phải “treo niêu” vì mất đất canh tác.
Tiếng kêu cứu ai oán khắp cả vùng quê dường như lọt thỏm dưới tiếng động cơ tàu cuốc hút cát nên không được ngành chức năng địa phương này giải quyết triệt để.
Tình trạng khai thác cát sỏi rầm rộ trên Sông Lô tại địa bàn xã Đôn Nhân không chỉ làm sạt lở đất nông nghiệp mà còn làm sạt lở hệ thống đê kè, đe dọa sự an nguy của hệ thống đê điều.
Đáng bàn hơn, mặc dù ngành chức năng xác định hoạt động khai thác cát gia tăng, diễn ra liên tục gần bờ gây sạt lở bờ sông, sạt lở hành lang an toàn của đê Tả sông Lô dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện xây dựng dự án kè chống sạt tiền tỷ nhưng vẫn không có biện pháp xử lý tình trạng trên. Thực tế, các doanh nghiệp vẫn khai thác cát rầm rộ, gây sạt lở bờ sông, tạo nên nghịch cảnh “người xây - kẻ phá”, khiến dư luận bất bình.
Lạ lùng hơn, ngành chức năng xác định nguyên nhân gây ra sạt lở đất nông nghiệp và sạt lở bờ sông Lô tại xã Đôn Nhân là do hoạt động khai thác cát gia tăng, vậy mà không yêu cầu các đơn vị khai thác dừng hoạt động, bồi thường thiệt hại, mà lại đề nghị lấy kinh phí từ nguồn tiền ngân sách nhà nước để bồi thường cho dân và xây dựng kè…
Sau khi báo Đại Đoàn Kết phản ánh về sự việc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng vào cuộc kiểm tra thông tin sự việc.