Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những tháng cuối năm sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng.
Những con số nhức nhối
Đánh giá về tình trạng tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, tổng hợp từ 63 địa phương trong cả nước trong những tháng đầu năm cho thấy, trên toàn quốc đã xảy ra 3.201 vụ tai nạn lao động làm 3.065 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 320 vụ, giảm 25 vụ (tương ứng 7,25%) so với cùng kỳ. Số người chết vì tai nạn lao động là 346 người, giảm 7 người (tương ứng giảm 1,98%).
Trái với việc số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn lao động giảm, thì số người bị thương nặng lại tăng lên. Nửa đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 810 người bị thương nặng, tăng 26 người (tương ứng với 3,32%) so với 6 tháng đầu năm 2023.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và không theo hợp đồng lao động như: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
Số vụ tai nạn lao động phần lớn xảy ra trong khu vực có quan hệ lao động, với 2.755 vụ trong nửa đầu năm nay, làm 2.834 người bị nạn. Trong đó, có 245 vụ tai nạn lao động chết người, 268 người chết, 710 người bị thương nặng. Điển hình một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết người và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Hà Nội, TPHCM, Yên Bái, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ninh và xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, xi măng, khai thác khoáng sản…
Mặc dù thực trạng vi phạm trong việc xây dựng và đảm bảo môi trường lao động an toàn cho người lao động vẫn diễn ra khá phổ biến, song theo Bộ LĐTBXH ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương báo cáo có 14 vụ tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 17 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan điều tra.
Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra
Trước thực trạng trên Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành, và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phối hợp với Bộ LĐTBXH trong thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khoáng sản, quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy...
Bộ LĐTBXH cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo tai nạn lao động theo quy định của luật hiện hành.
Khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, tuy nhiên ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động cho biết, cách thức thanh tra, kiểm tra của chúng ta hiện chưa phù hợp và không theo được các thông lệ quốc tế, rườm rà, thiếu hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển, việc thanh tra an toàn lao động đến doanh nghiệp không được báo trước.
“Thanh tra cũng không phải mất quá nhiều thời gian tại doanh nghiệp, chỉ cần đến khu vực cần phải kiểm soát an toàn lao động xem có đạt yêu cầu không. Chưa đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn, thanh tra có thể yêu cầu chủ doanh nghiệp ngay lập tức khắc phục. Sau đó, nếu hậu kiểm mà doanh nghiệp chưa xử lý thì có các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như dừng sản xuất, xử phạt theo thẩm quyền. Thanh tra an toàn cần tập trung vào xem thực tế khi doanh nghiệp sản xuất có bảo đảm an toàn, vệ sinh không” - ông Thơ nhấn mạnh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở, bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động, đặc biệt tuyên truyền tới các hộ sản xuất, trang trại, ngư dân.