Thanh tra toàn quốc về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Sẽ hạn chế được tai nạn?

Khanh Lê 02/03/2016 15:05

Thanh tra Bộ LĐTB&XH vừa công bố kế hoạch thanh tra lao động trong ngành xây dựng năm 2016. Theo đó, việc thanh tra sẽ thực hiện tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp thi công công trình xây dựng ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Liệu đây có được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng?

Thanh tra toàn quốc về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Sẽ hạn chế được tai nạn?

An toàn lao động vẫn chưa được nhiều nhà thầu chú trọng (Ảnh: Hoàng Long).

Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng vẫn đứng đầu bảng về tỉ lệ TNLĐ, chiếm 30,4% tổng số vụ tai nạn và 37,8% tổng số người chết.

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ chết người được Bộ LĐTB&XH chỉ ra là, ngoài phía người lao động (chiếm phần nhỏ với 17,1%) thì phần lớn là ở phía người sử dụng lao động (chiếm 56,6% tổng số vụ tai nạn lao động). Những sai sót của người sử dụng lao động tập trung ở việc không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; không kiểm tra độ an toàn của thiết bị.

Xuất phát từ thực trạng trên, nhằm hạn chế TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016, có chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn”, do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện. Lễ phát động Chiến dịch dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21/3, tại tỉnh Hưng Yên.

“Chiến dịch sẽ diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong cả nước từ tháng 3 và kết thúc tháng 11/2016. Trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ. Các địa phương còn lại thực hiện chiến dịch dưới sự hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn từ Thanh tra Bộ. Trong đó, hoạt động thanh tra tại các công trình xây dựng, các doanh nghiệp là nhà thầu thi công các công trình xây dựng nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn, hướng dẫn doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc tuân thủ tại nơi làm việc và tiến hành xử lý những vi phạm nghiêm trọng gây mất an toàn, vệ sinh lao động”- Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng khẳng định.

Tại hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Kế hoạch thực hiện chiến dịch thanh tra lao động năm 2016 do Thanh tra Bộ LĐTB&XH tổ chức với sự tham dự của đại diện các bên như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Thanh tra Bộ Xây dựng,… đa số ý kiến tán thành Dự thảo Chiến dịch nhưng cũng có không ít ý kiến thẳng thắn cho rằng, nếu không có các biện pháp xử thật nghiêm thì việc tiến hành thanh tra có rầm rộ đến đâu cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thực tế cũng cho thấy, nhà thầu, chủ đầu tư có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm ATLĐ, vì đây là những chủ thể trực tiếp quản lý, liên quan đến nhiều công nhân trên công trường. Trong đấu thầu, các hồ sơ mời thầu, hồ sơ đề xuất đều yêu cầu nhà thầu đưa ra giải pháp bảo đảm ATLĐ như làm việc ở độ cao 2m trở lên mà dưới chỗ làm việc có các chướng ngại vật nguy hiểm thì công nhân phải được trang bị dây an toàn và có lưới bảo vệ; có hệ thống lưới bảo hiểm an toàn để chắn vật nặng và đồ nghề rơi xuống... Tuy nhiên phần lớn các nhà thầu, chủ đầu tư đều không tuân thủ những quy định này, chỉ khi có đoàn kiểm tra thì họ mới vội vàng đi sắm quần áo và trang thiết bị bảo hộ. Do đó trong quá trình thanh tra không dừng lại ở việc kiến nghị, nhắc nhở nữa mà cần phải xử phạt nghiêm minh những nhà thầu, đơn vị tắc trách, coi thường tính mạng người lao động để răn đe, ngăn ngừa vi phạm tai nạn lao động.

Trước ý kiến băn khoăn của các đại biểu, Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng khẳng định: Thời gian tiến hành thanh tra tại 1 doanh nghiệp/nhà thầu tối đa là 1 ngày. Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra theo đúng quy định tại Luật Thanh tra và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16-10-2014 của Thanh tra Chính phủ. Đặc biệt sẽ xử nghiêm các doanh nghiệp, công ty, đơn vị vi phạm ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng, không có chuyện phát hiện sai phạm chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.

Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng 2016 hướng tới các mục đích: Cải thiện tình hình tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ cho người lao động, qua đó, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động; Nâng cao kiến thức của người sử dụng lao động và người lao động về vai trò của Thanh tra lao động ở cấp trung ương và địa phương; Nắm bắt tình hình thực tế áp dụng pháp luật lao động và những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh tra toàn quốc về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Sẽ hạn chế được tai nạn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO