Ngày 17/9, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Weizmann của Israel chính thức thông báo, mô hình phôi người được tạo ra từ tế bào gốc ở ngày thứ 14 là bước tiến vượt bậc của khoa học y học trong việc chữa những bệnh nan y, cũng như kéo dài tuổi thọ con người.
Giáo sư Jacob Hanna - Viện Khoa học Weizmann cho biết, về cơ bản phôi người tạo ra tất cả các cơ quan của nó vào tuần thứ 5 của thai kỳ. Nhưng đến nay chúng ta chưa hiểu rõ về cách hình thành các cơ quan và gần như không thể nghiên cứu giai đoạn này vì phôi thai rất nhỏ. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế về mặt đạo đức, vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là tạo ra một số loại mô hình thay thế từ tế bào, tế bào gốc và cố gắng tạo ra một mô hình phôi người.
Công trình này có thể cung cấp các thí nghiệm không thể thực hiện được trên phôi sống, chẳng hạn như kiểm tra tác dụng của thuốc đối với quá trình mang thai, tìm hiểu rõ hơn về sẩy thai và các bệnh di truyền. Thậm chí giúp các nhà khoa học có thể phát triển các mô và cơ quan cấy ghép trong tương lai.
Giới khoa học y học thế giới bất ngờ trước công bố của các nhà khoa học Israel về sự kiện mang tính cách đột phá tạo ra mô hình phôi người từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm mà không sử dụng tinh trùng, trứng hoặc tử cung.
Theo nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Weizmann, mô hình phôi của họ cung cấp một cách hiểu về những khoảnh khắc đầu tiên trong cuộc đời của mỗi một con người; đây thực sự là kết quả chưa từng được thực hiện trước đây. Thay vì tinh trùng và trứng, nguyên liệu ban đầu là các tế bào gốc đơn giản được lập trình lại để có khả năng trở thành bất kỳ loại mô nào trong cơ thể. Sau đó, các hóa chất được sử dụng để kích thích các tế bào gốc này trở thành 4 loại tế bào được tìm thấy trong giai đoạn sớm nhất của phôi người.
“Câu hỏi đặt ra là khi nào một mô hình phôi được coi là phôi thực sự? Chúng không giống nhau tuy nhiên thành tựu vượt bậc là chúng ta đã có thể lấy các tế bào gốc có nguồn gốc từ tế bào da người trưởng thành, sau đó đưa các tế bào này về trạng thái ban đầu có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau để hoàn toàn có thể tạo thành nền tảng của một thứ gì đó có cấu trúc giống như phôi. Đó là một bước tiến đáng kinh ngạc” - Giáo sư Hanna nói và cho biết, điều đó có thể mở ra cánh cửa cho những nhận thức mới hiểu rõ hơn về lý do và việc bị sẩy thai và các bệnh di truyền, và thậm chí có thể phát triển các mô và cơ quan cấy ghép nhằm chữa trị những bệnh nan y.
Giáo sư Robin Lovell Badge - người nghiên cứu sự phát triển phôi tại Viện Francis Crick (Vương quốc Anh), bày tỏ cảm nghĩ của ông về những mô hình phôi này: “Tôi nghĩ nó được thực hiện rất tốt, tất cả đều có ý nghĩa và rất ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để thuyết phục vì vẫn còn nhiều người không tán thành điều ấy. Nhất là việc khi mô hình này càng tiến gần đến một phôi thai thực sự thì chúng càng đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức, do chúng không phải là phôi người bình thường mà chỉ là mô hình phôi, nhưng chúng lại giống y như phôi người”.
Trong khi đó, Giáo sư Alfonso Martinez Arias - Đại học Pompeu Fabra (Tây Ban Nha), cho rằng đây là một nghiên cứu quan trọng bậc nhất trong y học, mở ra cánh cửa cho các nghiên cứu về các sự kiện dẫn đến sự hình thành con người cũng như điều trị bệnh tật.
“Tuy nhiên, lĩnh vực này cần tiến hành thận trọng, cẩn thận và minh bạch để tránh “hiệu ứng ớn lạnh” đối với công chúng, nhất là phải đối diện với những câu hỏi sâu sắc về đạo đức. Các mô hình phôi người làm từ tế bào gốc có thể mang lại một giải pháp thay thế cho việc sử dụng phôi người thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng chúng lại có vướng mắc về mặt pháp lý cũng như đạo đức” - Giáo sư Alfonso nói.
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nghiêm cấm và không cho phép các khoa học gia được duy trì phôi người đã được tạo thành quá 14 ngày. Họ chỉ được phép nghiên cứu các phôi ấy trong vòng 14 ngày trở lại mà thôi, sau đó phải hủy cái phôi ấy đi sau ngày thứ 14; với lý do không thể nhân bản vô tính đối với loài người.
Tuy nhiên, giới khoa học y học nói chung vẫn đánh giá cao kết quả của Viện Khoa học Weizmann khi cho rằng liệu pháp dùng tế bào gốc để chữa các bệnh nan y về cơ bản đã được giải quyết; dù rằng cho đến nay không có đạo luật nào cho phép các khoa học gia được nhân bản vô tính người trong phòng thí nghiệm.
Trước đó, các nhà khoa học đã nhân bản vô tính nhiều loài động vật bằng mô phôi và cừu Dolly là động vật có vú đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp nhân bản vô tính, cụ thể là áp dụng kỹ thuật chuyển nhân tế bào.
Việc nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Weizmann phát triển mô hình phôi người được tạo ra từ tế bào gốc khiến người ta nhớ lại vụ “cừu Dolly”. Giáo sư Ian Wilmut, người Anh, cha đẻ của cừu Dolly, đã sử dụng kỹ thuật nhân bản để tạo ra tế bào gốc áp dụng vào y học tái tạo, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nghiên cứu điều trị các bệnh di truyền và thoái hóa. Năm 2008, ông Wilmut được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ nhờ những đóng góp cho khoa học. Tuy nhiên, mặc dù thành tựu của Wilmut được nhiều nhà khoa học xem là một cuộc cách mạng, nhưng cũng gặp phải nhiều chỉ trích cho rằng điều đó là phi nhân tính. Giáo sư Ian Wilmut qua đời vào ngày 11/9/2023, thọ 79 tuổi.