Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tổ chức ngày 19/10 tại tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nhìn lại 10 năm thực hiện chúng ta thấy Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình rất đúng, rất trúng, được lòng dân. Thành tựu gần 10 năm thực hiện Chương trình là rất to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự, đồng chủ trì Hội nghị tổng kết có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
10 năm, 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; xây dựng khu vực nông thôn có kết cấu hạ tầng KT-XH phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM...
Sau 9 năm thưc hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở; đặc biệt được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu uốc gia xây dựng NTM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt vượt kế hoạch. Trong đó, 9 năm qua cả nước đã huy động được hơn 2,4 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD) để đầu tư cho xây dựng NTM.
Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn đã có những thay đổi vượt bậc, ngày càng hiện đại, đồng bộ. Trong đó, cả nước đã xây mới, nâng cấp gần 207 nghìn km đường giao thông; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; 100% số xã và 99,1% có điện; tỷ lệ trường học các cấp ở nông thôn đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng mạnh; 79% số xã đã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao; 100% số xã có trạm y tế...
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Đặc biệt, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá, chuyển mạnh theo hướng công nghiệp-dịch vụ; ngành nông nghiệp được cơ cấu lại, sản xuất chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Đến nay, cả nước có gần 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có gần 12 nghìn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp; có gần 15 nghìn HTX nông nghiệp, 45 liên hiệp HTX nông nghiệp, 40.000 tổ hợp tác nông nghiệp. Hoạt động của các HTX ngày càng hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng mạnh, từ 12,8 triệu đồng/người năm 2010 lên 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước hiện chỉ còn 7,38%.
Cùng với phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn cũng được chăm lo, nâng cao chất lượng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng thấm sâu, lan tỏa, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa sắc màu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là việc xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề được các địa phương quan tâm, chú trọng, đã và đang thu đươ nhiều kết quả. Tính đến nay, cả nước đã có 4. 665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã), 109 đơn vị cấp huyện huyện (chiếm 16,5% đơn vị cấp huyện) đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra; có 8 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện một số tổ chức, địa phương đã thông tin, chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm tham gia xây dựng NTM. Trong đó, chia sẻ về công tác Mặt trận tham gia xây dựng NTM, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, gần 10 năm qua, quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng, nội dung, mục đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng, phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương tập trung phối hợp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm NTM; vận động các tầng lớp nhân tham gia thực hiện bằng các công việc cụ thể như hiến đất, đóng góp ngày công, tiền bạc nâng cấp, làm mới cơ sở hạ tầng; tham gia các mô hình tự quản bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt, duy trì, đẩy mạnh các hoạt động vận động xây dựng quỹ vì người nghèo, vận động an sinh xã hội.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, gần 10 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được hơn 12 nghìn tỷ đồng; vận động an sinh được hơn 40 nghìn tỷ đồng. Từ các nguồn vận động, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 800 nghìn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo cùng nhiều hoạt động hỗ trợ khác, thiết thực giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, Mặt trận đã phát huy vai trò của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc giám sát việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Thông qua giám sát của nhân dân, các sai phạm được kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Nam Định chia sẻ kinh nghiệm phát huy nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới; tỉnh Sơn La chia sẻ kết quả, kinh nghiệm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp Sơn La trở thành tỉnh hiện có tới trên 70 nghìn ha cây ăn quả, lớn nhất cả nước; tỉnh Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn,phát huy giá trị các di sản ở nông thôn phục vụ phát triển du lịch...
Bên cạnh những kết quả, thành tựu, theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, thực tế thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vẫn còn những hạn chế. Trong đó, kết quả xây dựng NTM của một số vùng vẫn còn thấp; nông thôn phát triển chưa đồng đều; sự gắn kết giữa xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở một số vùng chưa chặt chẽ; việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nôngnghiệp còn nhiều hạn chế.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa phương vẫn còn nghiêm trọng; chất lượng vệ sinh, an toàn nông sản vẫn đang là vấn đề khiến cả xã hội phải quan tâm. Ở một số địa phương, việc xây dựng đời sống văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều bức xúc. Tệ nạn xã hội, khiếu kiện liên quan đến đất đai, môi trường còn nhiều. Chất lượng đạt chuẩn và khả năng duy trì kết quả còn hạn chế, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Va trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn chưa thực sự được phát huy, khơi dậy hiệu quả.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.
Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, từ thực tế 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy đây là một chương trình rất đúng, rất trúng, được lòng dân. Thành tựu gần 10 năm thực hiện Chương trình là rấtto lớn, toàn diện và có tính lịch sử.
Thủ tướng biểu dương các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các điển hình tiên tiến trong 10 năm qua đã nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo, góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong xây dựng NTM.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thực hiện Chương trình, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó, ở không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chú trọng nhiệm vụ xây dựng NTM, chậm nhận thức, chậm hành động dẫn đến chậm có kết quả.
Việc phân bổ nguồn lực đầu tư theo Thủ tướng là chưa đồng đều giữa các vùng miền, trong đó khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vẫn còn thiếu rất nhiều nguồn lực.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong phát biểu tại Hội nghị.
Ở nhiều nơi, những mâu thuẫn, xích mích chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm,giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh, trật tự. Ở nhiều địa bàn nông thôn vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết hiệu quả, nông thôn nhiều nơi vẫn còn quá nhiều rác chưa được xử lý trong khi đó hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiển hiện, trở thành một thách thức. Nhiều tệ nạn, nhất là nghiện hút, trộm cắp chưa được ngăn chặn; tình máu mủ, tình làng nghĩa xóm có biểu hiện bị mai một với nhiều vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra gần đây.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được mà cần chung tay xây dựng NTM với khí thế mới, xung lực mới và với những mục tiêu cao hơn.
“Chúng ta thống nhất với nhau quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng nêu mục tiêu: trong giai đoạn 2021-2025 cả nước phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% được công nhận là huyện, thị xã nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.
Nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải quan tâm, tạo điều kiện để phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới, thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
“Không có hợp tác xã kiểu mới, không có bàn tay doanh nghiệp, không có những cánh đồng, trang trại lớn thì không thể sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi liên kết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, xây dựng NTM trong giai đoạn mới phải đảm bảo được một số vấn đề cốt lõi, trong đó phải không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; sản xuất phải được đẩy mạnh; môi trường, cảnh quan phải được bảo vệ; truyền thống văn hóa phải được bảo tồn.
“Đặc biệt, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân phải được quan tâm chăm lo, xây dựng, đảm bảo vững mạnh, đủ sức phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo ngay sau đây các bộ, ngành, địa phương cần sớm bàn bạc, xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai các công việc xây dựng NTM trong giai đoạn mới 2021-2025...