Tháo gỡ khó khăn cho đăng kiểm

M.Loan-H.Vũ 08/06/2023 08:00

Chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Có 110 đại biểu đăng ký chất vấn. Quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa là những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội nêu lên.

Thời gian qua, rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đăng kiểm đã được đưa ra, trong đó nhiều trạm đăng kiểm đều tăng cường nhân sự, tăng ca để phục vụ người dân. Ảnh: Quang Vinh.

600 người thuộc lĩnh vực đăng kiểm bị khởi tố

ĐBQH Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình) đặt vấn đề: Thời gian qua nhiều trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đóng cửa, gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. “Qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đề nghị mở lại các trung tâm này. Ý kiến bộ trưởng về vấn đề này?” - bà Ngọc nêu.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua có một số nhân viên và lãnh đạo các TTĐK bị khởi tố, hiện tại chưa mở lại được vì thiếu cán bộ và đăng kiểm viên. Cả nước hiện còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa có TTĐK nào được mở lại.

Ông Thắng cho biết, đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở GTVT các tỉnh này để tìm giải pháp. Vừa qua, bộ đã hỗ trợ địa phương đào tạo nhân lực, thi tuyển, cấp chứng chỉ để tìm người giữ cương vị lãnh đạo TTĐK; phối hợp với Sở GTVT địa phương bố trí đăng kiểm viên. TTĐK ở Hòa Bình sẽ sớm được mở lại.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc đăng kiểm phương tiện cơ giới hiện nay không đáng lo như bộ trưởng nói chỉ đúng một phần, và kéo giãn chu kỳ đăng kiểm với phương tiện cá nhân chỉ là trước mắt.

“75% các TTĐK hiện nay là do các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước thực hiện. DN khi đầu tư phải thu hồi lại vốn, nhưng với cơ chế tài chính hiện nay thì họ rất khó duy trì được TTĐK mà họ đã xin phép lập ra. Đơn cử việc giãn chu kỳ đăng kiểm thì các TTĐK tư nhân không có việc làm, không có thu nhập, nên đăng kiểm viên sẽ đi nơi khác. DN vì thế sẽ phá sản” - ông Giang nói và đề nghị cần đổi mới cơ chế tài chính. Khi xã hội làm được thì cần tạo điều kiện cho các DN ngoài nhà nước làm. “Đây mới là giải pháp lâu dài, chứ chỉ kéo giãn chu kỳ đăng kiểm mà vẫn giữ cơ chế tài chính cũ thì rất khó giữ các TTĐK ngoài nhà nước” - ông Giang bày tỏ.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng GTVT cho biết, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm thời gian qua là hết sức nghiêm trọng; khiến người dân và DN rất vất vả trong việc đăng kiểm. Có tới 600 người là lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cán bộ công chức, viên chức, các kiểm định viên bị khởi tố. Trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có đến 106 TTĐK đóng cửa.

Chính vì thế, theo ông Thắng, vừa qua Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an tập trung tháo gỡ, để khôi phục toàn bộ các TTĐK. Bộ đã nghiên cứu điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Đồng thời đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm. Rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ. Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực, cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe.

“Còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên. Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các TTĐK, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản” - ông Thắng nêu giải pháp.

Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 7/6. Ảnh: Quang Vinh.

Vì sao tai nạn giao thông vẫn nghiêm trọng?

Chất vấn về vấn đề tai nạn giao thông (TNGT), ĐBQH Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, mà nguyên nhân là nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm quy định. Chủ phương tiện giao xe cho người chưa được khám sức khỏe, ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khiến lái xe tải phải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm, rồi buồn ngủ, gây tai nạn. “Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp siết tình trạng này” - bà Huế chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận tình trạng đại biểu nêu là thực tế. Từ vụ tai nạn nghiêm trọng tại Quảng Bình cách đây 3 năm khiến 15 người chết, ông Thắng cho biết cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự cả lái xe và chủ DN vì buông lỏng quản lý, giao xe cho người có bằng không đúng quy định.

Theo ông Thắng, tại Chỉ thị 10 năm 2023, Thủ tướng đã yêu cầu các vụ TNGT có hậu quả nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh sở tại phải đánh giá nguyên nhân, có giải pháp khắc phục và phải cá thể hóa trách nhiệm tập thể, cá nhân. “Cùng với đó, việc phân định rõ trách nhiệm đã được nghiên cứu, tích hợp dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Sau khi có những cơ sở pháp lý rõ ràng, Bộ Công an sẽ có hành lang pháp lý để xử lý” - ông Thắng cho hay.

Về vấn đề đào tạo sát hạch lái xe, Bộ trưởng GTVT cho biết, đã thanh tra toàn diện việc sát hạch lái xe tại 63 tỉnh, thành. Khi phát hiện vấn đề đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xử lý nghiêm, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện thông tư, siết chặt quản lý để không tái diễn việc cấp phép lái xe cho đối tượng nghiện. Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo các Sở GTVT xử lý nghiêm do lĩnh vực này đã phân cấp xuống cho địa phương; sẽ hoàn thiện văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho địa phương quản lý.

Đề cập đến giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, tình trạng chi phí vận tải, logistics của Việt Nam khá cao, thậm chí cao hơn các nước đang phát triển. “Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp để giảm chi phí vận tải, logistics trong thời gian tới?” - bà Sửu nói.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, chi phí logistics ở Việt Nam trước đây là 21%. Theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ đạt 16-20%, hiện nay đã cố gắng đạt 16,8% song vẫn còn cao so với thế giới (11%). Bộ GTVT đã đưa ra các giải pháp như phát triển hạ tầng, tăng kết nối cảng biển với cao tốc, cảng biển và đường thủy nội địa.

Về giải pháp, theo ông Thắng, cần cải tạo, nâng cao tĩnh không các cầu; đồng thời rà soát giá, phí vận tải, giảm phí đường bộ, phí ra vào cảng biển, để DN logistics và cảng biển giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) tranh luận lại và cho biết, chi phí logistics rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng DN phải trả đến 20-25%. Để giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu một, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

“Ví dụ số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa ít hơn trước khi sửa. Bỏ mấy nghìn tỷ nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí. Do vậy Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistics ở Việt Nam” - ông Hiếu nêu.

Hôm nay 8/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tiếp tục trả lời chất vấn. Sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ trả lời chất vấn, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày.

ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh):

Không gây xáo trộn đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Nguyên nhân thiếu hụt nhân viên đăng kiểm có một phần trách nhiệm của Bộ GTVT mà Bộ trưởng chưa chỉ ra. Tại báo cáo của Bộ GTVT gửi Quốc hội có nêu tình trạng khủng hoảng tại các TTĐK, đây có phải là trách nhiệm chậm trễ trong việc không chủ động, hoặc chưa phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan để kịp thời đưa ra phương án ứng phó thay thế trước khi dẫn đến tình huống tạm dừng hoạt động hoặc thiếu hụt nhân lực đăng kiểm. Bộ GTVT hiểu hơn ai hết về tác động tích cực và tiêu cực gây xáo trộn đến đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của DN nếu như thiếu dịch vụ về đăng kiểm. Thông qua vụ việc đăng kiểm, cần rút ra được bài học kinh nghiệm để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, đồng thời bảo đảm ổn định các hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ khó khăn cho đăng kiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO