Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023.
Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng
Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM), có những vấn đề “ngoài tầm với” như tác động của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, tiêu dùng trên thế giới song có những vấn đề chúng ta có thể chủ động được. Nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa được bố trí vốn, theo ông Tuấn, cần làm rõ xem, vấn đề này là do cơ chế, hay do con người. Liên quan tới chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, ông Tuấn cho rằng các khoản hỗ trợ chỉ được bố trí trong vòng 2 năm. Tới cuối năm 2022, kết quả chưa được 30%. Đầu năm nay có sự triển khai nhanh hơn nhưng vẫn còn khá chậm.
Về kết quả thực hiện những tháng đầu và nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại năm 2023, theo ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang), để hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch thì các quý còn lại của năm 2023 phải tăng bình quân 7,5-8%. “Đây là thách thức rất lớn trong điều hành. Do vậy, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt hiện nay đã được nhận diện” - ông Sơn nói và cho rằng, về đầu tư công cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển cho các dự án quan trọng; xử lý nhanh, dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư...
Đối với chính sách tài chính, ngân sách, theo ông Sơn, cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản. Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (DN), các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư…
Giải quyết vấn đề việc làm, lương
ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho biết, từ cuối năm 2022, những tháng đầu năm 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Về giải pháp, ông Sỹ cho rằng, cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ), tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các DN, đặc biệt với các DN liên quan đến bất động sản.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) phản ánh, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tiếp tục tăng, số DN thành lập mới giảm. “Đến nay, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn như ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm nhân lực, việc làm, giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó khăn cho các DN. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, NLĐ bị mất việc, giảm giờ làm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” - bà Thoa nói và cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối DN nhỏ và vừa; cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…
Nêu rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm những tháng đầu năm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) lo ngại nếu tiếp tục đà này, thất nghiệp sẽ gia tăng. Xuất khẩu, một trong “cỗ xe tam mã” đã bị suy giảm. Nhiều DN bị cắt đơn hàng, tác động an sinh xã hội và NLĐ. Cho nên phải tập trung những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề lương hưu, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) đồng tình với việc xây dựng lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Nhân trăn trở: “Vừa qua nhiều công nhân cho biết, NLĐ có thể lao động 30 năm, DN đóng đủ BHXH nhưng về hưu nhận lương hưu 2,5 triệu đến 3 triệu đồng, sống không được. Phải nhìn lại cách chúng ta xác định mức lương tối thiểu để DN tuân thủ, để khi NLĐ đóng đủ BHXH thì về hưu phải sống được”.
Đùn đẩy, né tránh là suy thoái về tư tưởng chính trị
Liên quan đến vấn đề cán bộ đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, phải xác định đây là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. “Chúng ta phải khẳng định như vậy và có thái độ rất rõ ràng. Không thể bênh che các biểu hiện này. Đất nước đang rất khó khăn nhưng có tình trạng như vậy làm cản trở sợ phát triển KTXH đất nước; làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước” - bà Trà nói.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, như Chỉ thị 26, 27 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh học tập, làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Có công điện 280, 365, 436 để tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hệ thống hành chính nhà nước...
Để giải quyết, bà Trà đưa ra những nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, tư tưởng, nhận thức là giải pháp hàng đầu. Tiếp đó là giải pháp về xây dựng và hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát bãi bỏ những quy định không phù hợp; thực hiện quyền hạn đã được quy định trong pháp luật và đã được cấp trên phân cấp, ủy quyền. “Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nghiên cứu sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức.. tạo hành lang pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị, có Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế để tạo sự thống nhất, xuyên suốt; tập trung 3 khâu đột phá: tổ chức nhân sự, thể chế kinh tế và thể chế văn hóa. Bên cạnh đó phải chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. “Thủ tướng “tả xung, hữu đột” nhưng nhiều nơi chưa chuyển biến. Do đó Quốc hội nên có chuyên đề giám sát thực thi chức trách, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước” - ông Vân nêu vấn đề.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sai phạm về đăng kiểm mang tính hệ thống, tồn tại đã lâu. Bà Thủy đặt vấn đề: Với vi phạm mang tính chất hệ thống trên quy mô rộng, vậy trong quản lý nhà nước về đăng kiểm trong suốt thời gian dài có thanh tra, kiểm tra hay không? Và nếu thanh tra, kiểm tra thì qua thanh tra có phát hiện được tiềm ẩn, dấu hiệu vi phạm này hay không? Hay có phát hiện nhưng coi rằng “đó là vi phạm không đáng kể” nên không kiến nghị, xử lý. Bà Thủy đề nghị Chính phủ cần có câu trả lời về thanh tra, kiểm tra, chất lượng thanh, kiểm tra đối với hoạt động này.