Phiên họp tại tổ 2 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì, các đại biểu cho ý kiến đóng góp theo Chỉ thị số 17-CT/TƯ của Ban Bí thư; đóng góp vào chương trình giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận;....
Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì phiên thảo luận tại tổ 2.
* Phát biểu tiếp thu qua thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, các ý kiến của các cụ, các vị, các đại biểu đã góp phần giúp cho quá trình chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX đạt kết quả tốt nhất. UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả của MTTQ các cấp.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng ghi nhận sâu sắc các ý kiến của các cụ, các vị và đại biểu liên quan đến vai trò giám sát phản biện của MTTQ, nhất là trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ nghiên cứu sự tham gia phù hợp vào công cuộc này làm sao phát huy được hình ảnh Mặt trận là nơi đoàn kết, coi trọng tính thiết thực, tính tiêu biểu và tính đại diện cho tiếng nói của nhân dân.
* Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu góp ý về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát, phản biện xã hội, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo ông Thám, một số cấp ủy đảng, chính quyền thời gian qua chưa nhận thức đúng, đủ về vị trí, vai trò của MTTQ. Hoạt động của MTTQ có lúc, có nơi còn dàn trải, có biểu hiện hành chính hoá và hiệu quả chưa cao.
* Bà Phan Thị Hồng Nhung, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ góp ý, trong các ngày hội đại đoàn kết tại khu dân cư ngoài xây tặng nhà đại đoàn kết, biểu dương người nghèo thì cần phải biểu dương cả những hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo để khuyến khích, động viên họ, cũng như lấy đó làm gương để các hộ còn nghèo vươn lên thoát nghèo.
Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ phát biểu thảo luận.
Bà Nhung cũng đề nghị trong thông tư về giám sát phản biện cần phải được cụ thể hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận tham gia hiệu quả. Tuy nhiên, tại nhiều nơi thì Mặt trận hoạt động chưa hiệu quả.
“Tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần có hướng dẫn hoặc chỉ thị cụ thể để tổ chức Mặt trận có thể tham gia hiệu quả hơn nữa công tác giám sát phản biện. Ở Cần Thơ, trước khi HĐND họp thì các nội dung họp được Thường trực HĐND gửi cho MTTQ tỉnh để xin ý kiến phản biện, góp ý kiến. Tôi cho rằng, mô hình này có thể nhân rộng”, bà Nhung nói.
* Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu nêu ý kiến về vai trò của MTTQ đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó phải có các Ban chỉ đạo tại từng cơ sở cấp huyện; ngoài ra tổ chức CVĐ trong các tổ chức doanh nghiệp, các đơn vị trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm hàng Việt để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ông Trần Phù Tiêu cũng yêu cầu giám sát, phản biện của MTTQ phải thực chất, phối hợp được với các tổ chức đoàn thể xã hội và chính quyền để đạt được hiệu quả, mục tiêu, yêu cầu đề ra.
“Cấp ủy và chính quyền phải thay đổi nhận thức về vai trò của MTTQ tham gia vào giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền phải cung cấp tiêu chí, chủ động phối hợp với MTTQ để có sự giám sát theo chủ đề phản biện. Ngoài ra, phải giải quyết được những vấn đề sau giám sát”.
Theo ông Tiêu, hiện nay việc phòng chống tham nhũng được cả xã hội quan tâm và MTTQ tham gia trong vai trò giám sát, tập hợp ý kiến phản ánh của người dân về tham nhũng.
Vấn đề là tạo một cơ chế tiếp thu để chính quyền, cấp ủy lắng nghe, tiếp thu thì công việc của MTTQ mới có ý nghĩa, chứ không chỉ làm cho có. “Chủ tịch MTTQ cấp tỉnh phải là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để tăng vai trò, tiếng nói của MTTQ, đúng với vị thế, vai trò của tổ chức MT trong thời kỳ mới”, Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ nói.
* Ông David Hồ, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Việt kiều tại Hoa Kỳ góp ý về hoạt động công tác mặt trận đoàn thể trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hoa Kỳ.
Ông Hồ đưa ra thực trạng, hơn 90% du học sinh xuất sắc VN tại Mỹ nhưng lại khó có cơ hội được giữ lại làm việc tại Hoa Kỳ, mà đa số tham gia vào các công việc bán thời gian tại đây. Các nhóm định cư tại Hoa Kỳ hiện nay dù có cuộc sống và công việc ổn định tại Hoa Kỳ nhưng lại thiếu tổ chức kết nối để đóng góp kiều hối cũng như chất xám, cống hiến cho đất nước.
Ông David Hồ mong muốn tạo dựng được các mô hình đoàn thể, hội doanh nhân tại Hoa Kỳ để hỗ trợ cho người Việt phát triển sự nghiệp tại Hoa Kỳ và luôn hướng về cội nguồn quê hương. “Tôi muốn về lâu dài Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ trở thành thành viên của MTTQ Việt Nam, để tạo thêm một nguồn lực lớn mạnh về đất nước”.
Đề nghị của ông David Hồ được Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh hoan nghênh, ghi nhận và cho biết, MTTQ sẽ có các hội thảo để bàn sâu hơn về ý tưởng này.
Ông Bùi Xuân Đức góp ý vào vai trò giám sát phản biện của MTTQ.
* Ông Bùi Xuân Đức, nguyên Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý sâu vào vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong phòng chống tham nhũng.
Trong đó cơ sở thực hiện đã được Đảng giao phó, giờ muốn trơn tru thì phải làm tốt công tác phối hợp hành động với chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội. Theo ông Đức, nên chăng MTTQ phải giám sát mang tính chính trị, pháp lý tập hợp tiếng nói của người dân; cơ chế giám sát là phải giám sát các cơ quan tổ chức của Đảng (do Đảng quy định hay Mặt trận đề xuất cơ chế).
* Tại tổ thảo luận, ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam nói: “Tôi có cảm giác vai trò MTTQ đang bị bó hẹp lại, chưa phát huy được vai trò thực sự của mình. Mặt trận phải giám sát vào những nội dung hết sức cụ thể để cấp uỷ Đảng quan tâm, ghi nhận. Chương trình làm việc giữa Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Bí thư, Bộ chính trị để lắng nghe các công việc của Mặt trận, từ đó mới thể hiện được vị thế, vai trò của MT”.
Ông Hà Văn Núi phát biểu thảo luận tại tổ.
* Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nêu ý kiến, từ các yêu cầu của Đảng trong mỗi thời kỳ thì Mặt trận phải nắm lấy cơ hội để thể hiện vai trò của mình. Chẳng hạn, vai trò giám sát, phản biện là rất quan trọng và trọng tâm của Mặt trận hiện nay nên phải đi vào các chuyên đề cụ thể để tạo tiếng vang. MT Cấp quận, huyện, xã phường phải tham gia vào, vai trò phải được thể hiện rõ vào những vấn đề được giám sát, phản biện.
Ông Khanh cũng nhấn mạnh vấn đề cần phải làm rõ cơ chế phối hợp hành động giữa MT và các tổ chức thành viên vì hiện nay còn lỏng lẻo, chưa phát huy được hiệu quả.
“MTTQ có quyền xây dựng chương trình làm việc, chương trình hành động nhiệm kỳ dựa trên trước hết là quyền và lợi ích của nhân dân, không trái với chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chúng ta nên đặt vấn đề bắt đầu như vậy, thay vì trích ra các văn bản của Đảng và Nhà nước để vận dụng xây dựng chương trình hành động, cũng như chương trình làm việc như hiện nay”, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội tham vấn.