Một làng quê Việt trù phú ở trung du Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vẫn gìn giữ nguyên vẹn hơn 50 ngôi nhà cổ tuyệt đẹp, đang thao thức một ước mơ giàu bản sắc bên dòng Lô xanh...
"Cơm nửa bữa, ngủ nửa canh"
Bà Hà thức dậy từ bốn giờ sáng. Ngôi nhà cổ năm gian bằng gỗ đinh được bà lau dọn thật sạch. Giời còn chưa rõ mặt người nhưng bà không phải bật cái bóng đèn ngoài thềm, cây chổi cọ khua một loáng đã xong mảnh sân gạch đỏ, cũng là lúc tiếng chổi từ khắp làng Hùng Lô xoa xỏa vẳng lên.
Cái nết chăm chỉ của con gái làng Hùng Lô từ thuở xưa giờ vẫn vậy. Thức khuya dậy sớm làm đủ việc. Đến bữa cơm cũng phải ăn thật nhanh rồi đứng dậy làm việc nhà để kịp ra đồng cấy lúa, cũng chẳng bao giờ trọn giấc bên chồng đêm đông lạnh giá, phụ nữ phải dậy rất sớm lo việc đồng áng. Câu nói "cơm nửa bữa, ngủ nửa canh" với đàn bà kẻ Xốm (tên cũ làng Hùng Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ) là vậy.
Nhà cổ làng Hùng Lô đều quay hướng tây. "Để nắng mặt giời rọi vào mặt khỏi ngủ trưa", bà Hà nói. "Đức thụ lưu bồi", tấm hoành phi tổ tiên để lại giữa gian thờ nhắc nhở con cháu tu dưỡng tâm tính, nếp sống, ăn ở làm lụng mà tạo dựng ấm no cuộc sống, chứ cũng chẳng phải chữ nghĩa cao sang thâm thúy gì.
Từ xưa, Hùng Lô đã được dân quanh vùng gọi tên "làng đa nghề", việc gì cũng làm. Đất hẹp người đông, dân Hùng Lô sinh tồn với lúa đồng ngô bãi thì chia nhỏ được mấy mảnh ruộng. Làng khó ló ra nghề phụ.
Từ xa xưa đến tận nay Hùng Lô vẫn rất nổi tiếng nghề làm bánh chưng bánh dầy, đậu phụ, đồ gỗ, miến gạo, nấu rượu, và nhất là làm mì sợi. Sợi mì kẻ Xốm có bí quyết gia truyền cứ trắng sáng, dẻo cong nhưng nấu lên bát mì không nát mà vị thơm giòn.
Xã Hùng Lô đã được tỉnh Phú Thọ quyết định công nhận là “Điểm du lịch văn hóa cộng đồng” năm 2021 với không gian rộng hơn 2 triệu m2, trải rộng cả quần thể một số xã quanh vùng. Tuy nhiên điểm đến này còn nhiều hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng, tập huấn nhân lực, tuyên truyền, quảng bá...
Còn bánh chưng kẻ Xốm gói rất ngon nức tiếng bao đời, chả thế mà Hùng Lô vinh dự được làm bánh chưng dâng Vua Hùng vào dịp Giỗ Tổ. Giờ khắp làng mọc lên những căn nhà tầng và biệt thự khang trang giàu sức sống của miền quê nông thôn mới, vẫn xen kẽ giữ lại những ngôi nhà cổ lợp ngói âm nâu trầm, dọc ven đường làng treo những dàn mì hong nắng bâng khuâng...
Dẫn tôi đến thăm HTX mì sợi Đoàn Kết do cô gái trẻ xinh đẹp Cao Thị Trang quản lý, ông Lã Tiến Boong, Phó chủ tịch UBND xã Hùng Lô kể rằng, người xóm này thương nhau đoàn kết có tiếng.
Xưa giai làng khác đến tán con gái làng này khó như đi lên giời. Bất kỳ nhà nào có việc tang lễ, cưới hỏi, dựng nhà, lấp ao, người làng xúm lại chung tay lo toan. Cái nếp giờ vẫn vậy, và cái tên HTX mì sợi Đoàn Kết của cô Trang đã được đặt tên từ khối tình xóm làng là thế.
Làng Hùng Lô nghề mì sợi thủ công vẫn còn ba bốn chục hộ làm, nhưng HTX Đoàn Kết, do chính các mẹ các chị trong làng làm công nhân, đã sản xuất bằng dây chuyền hiện đại, mỗi ngày cho ra cả tấn rưỡi mì. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của HTX Đoàn Kết đưa tới hơn 10 tỉnh thành toàn quốc, có mặt ở hàng loạt khách sạn và siêu thị. "Cũng là niềm tự hào của gái Hùng Lô đấy", Phó chủ tịch UBND xã Hùng Lô nói.
Mới hay cái năng động tìm tòi với cái nết chăm chỉ làm lụng đa nghề của người làng Hùng Lô đã tạo nên ngôi làng trù phú từ hàng trăm năm trước. Những ngôi nhà cổ bằng gỗ quý được dựng lên từ đôi bàn tay kẻ Xốm là vậy, chứ đâu có chuyện cả làng làm quan thuở xưa.
Giặc Pháp càn quấy nhiều nơi mấy mươi năm trước nhưng đến Hùng Lô thấy ngôi đình làng to rộng tới dăm ngàn mét đất, lại thấy những nhà cổ rất đẹp, mà chỉ đứng ngoài nhòm ngó, đi lại nghiêm ngắn, và dường như có ý trân trọng mà không nỡ đốt phá. Cả người và đất Hùng Lô đã trở nên rất đặc biệt và có duyên rõ ràng. Đến nỗi người quanh vùng nói rằng ai đủ tài mới lấy được gái Hùng Lô làm vợ.
Ước mơ một "làng cổ du lịch"
Ngôi miếu cổ Hùng Lô tọa bên đình làng không rõ có từ niên đại nào. Truyền thuyết kể rằng xa xưa Vua Hùng cùng công chúa ngoại cảnh săn thú, dừng chân nghỉ đến Hùng Lô thấy đất màu mỡ, cây lá xanh tươi lại có huyệt thiên tạo, hướng giáp canh có khí thiêng từ lòng đất bốc lên, Vua phán nơi này là chốn địa linh nên đưa dân đến khai hoang. Làng Hùng Lô quần cư từ thuở ấy. Dân chăm chỉ làm ăn phát đạt có miếu linh thiêng phù che nên lễ thờ quanh năm chu đáo.
Lại có truyền thuyết Hai Bà Trưng khởi nghĩa hành quân qua đây, xuống voi vào miếu dâng hương cầu nguyện quyết tâm đánh thắng giặc, và khi trở về đã cho tôn tạo miếu đường. Hai tích ấy còn được ghi lại tại hai đốc tam quan trước cửa miếu.
Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất ở đây là đình làng Hùng Lô. Ngôi đình hơn ba trăm tuổi gần như còn nguyên vẹn có từ vua Lê Hy Tông (Di tích lịch sử quốc gia). Cột đình to cả hai người ôm, cả khu đình dàn rộng mấy tòa giữa làng, có tòa Đại Đình, Phương đình, Lầu chuông, Lầu trống và nhà Tiền Tế, tất cả được làm bằng vật liệu gỗ quý với nghệ thuật điêu khắc tinh hoa đặc trưng thời Hậu Lê.
Đến nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như 5 cỗ kiệu cổ và 11 sắc phong của tám đời vua ban. Tòa đình như một nhà bảo tàng văn hóa nghệ thuật của người làng Hùng Lô đóng góp còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay.
Ngày lễ hội đình làng hay dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ai may mắn chứng kiến lễ rước kiệu trong nhịp bát âm rộn ràng mà cảm nhận cái trang trọng kính lễ. Ngày dưng về thăm Hùng Lô thong dong rảo khắp làng, ai đó hẳn chậm lại bước chân bằng tâm thái tĩnh lặng nhẹ nhàng kỳ lạ. Làng còn giếng nước cổ, văn miếu, nhà thờ phật, lũy tre bao quanh được gìn giữ như thể nhịp sống dồn dập ngoài kia không tràn về nơi này.
Trong làng có tới hơn 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại một hai trăm năm. Nét kiến trúc truyền thống ba gian hai trái của làng Việt Bắc bộ, có những ngôi nhìn ra sông Lô thơ mộng,chạm trổ khéo léo và tinh tế được con cháu ý thức gìn giữ qua nắng mưa thời gian làm bảo tàng sống cho gia đình, dòng họ. Dường như có triết lý sống rất đẹp được gửi gắm về sau. Làng cổ Hùng Lô quả là một di sản quý.
Xem biểu diễn hát Xoan ở cửa đình Hùng Lô mỗi độ xuân về, cái giai điệu của một di sản nhân loại qua tiếng hát, điệu nhảy của chính người làng Hùng Lô có sức hấp dẫn và lôi cuốn kỳ lạ. "Mấy ông Tây xem hát Xoan thích lắm, còn học múa theo nhịp trống", bà Hà kể lại chuyện khách Tây đến thăm làng và kéo đến xem nhà bà, cứ trầm trồ ngắm mãi ngôi nhà gỗ cổ.
Mấy năm nay khách thập phương về thăm làng nhiều hơn (ước tính khoảng 10.000 khách trong nước và 500 lượt khách quốc tế), bà đã sang nhà ông Chức bên cạnh, cũng có ngôi nhà cổ, bàn nhau cải tạo hai gian trái ngôi nhà làm "homestay".
Trong làng có rất nhiều gia đình bàn nhau chuyện làm kinh tế du lịch, và ước mơ có ngày Hùng Lô sẽ nhộn nhịp như Hội An (Quảng Nam), Đường Lâm, Ba Vì (Hà Nội)... Có những đêm bà thao thức mãi sau khi xem ti vi chiếu cảnh làng du lịch trên núi Tây Bắc, rồi cảnh lễ hội khắp nơi, mà ngẫm về ước mơ làng mình sớm trở thành "làng cổ du lịch".
"Ven bãi sông Lô đã có quy hoạch trồng rau sạch, cả hoa nữa, có bến tàu du sông, lại còn có cả bãi đỗ xe, nhẽ nào Hùng Lô cứ bươn bải như kẻ Xốm ngày xưa mà không phát huy bản sắc quê ta?", bà Hà có chút đau đáu. Xong rồi vẫn hồn nhiên hát một đoạn Xoan lúc chúng tôi đang uống trà...