'Thắp lửa' cho doanh nghiệp

Duy Khang 24/09/2016 11:16

Chiều ngày 22/9, một cuộc ký kết có thể nói là bước ngoặt đối với cộng đồng  DN Việt Nam đã diễn ra giữa 21 địa phương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): ký kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Như vậy, trong năm 2016 này đã diễn ra 2 sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng các DN Việt Nam. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và DN hồi tháng 4 năm 2016 và lễ ký kết mới đây của cộng đồng DN với người chứng kiến là Phó T

Tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển là đòi hỏi từ thực tế.

Những động thái đó cho thấy Chính phủ đã và đang rất quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng các DN Việt Nam, đặc biệt là hơn 500.000 DN nhỏ và vừa của cả nước hiện nay.

Trước đó, năm 2015, Chính phủ cũng đã liên tiếp đưa ra hai Nghị quyết 19 và 35 với một mục tiêu chính đó là: Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN yên tâm sản xuất và phát triển.

Có thể nói, sự ra đời của hai Nghị quyết nói trên trong bối cảnh, nền kinh tế đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn, sự khủng hoảng của nhiều lĩnh vực kinh tế dẫn đến số DN buộc phải phá sản, rời thương trường... có ý nghĩa quan trọng, góp phân tạo ra động lực mới cho cộng đồng DN, để các DN có thể “tựa” vào đó phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chưa khi nào dư luận xã hội lại được chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà quản lý, của Chính phủ đối với mục tiêu “thắp lửa” cho hoạt động của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân như hiện nay.

Sau Nghị quyết 19 và 35, sau buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và cộng đồng DN tiếp tục là những động thái khác như việc sửa đổi các quy định, điều luật liên quan đến môi trường đầu tư.

Theo thông tin từ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi lễ ký kết giữa 21 địa phương với VCCI chiều 22/9 vừa qua, Chính phủ cũng tích cực chuẩn bị trình Quốc hội một Luật để sửa đổi nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Luật này sẽ sửa đổi đến 15 luật, trong đó có 3 luật mới bổ sung liên quan đến các thủ tục kiểm tra chuyên ngành về hải quan để tháo gỡ vướng mắc cho lĩnh vực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Những thủ tục này thì ít, nhưng tác động lại cực lớn, nên Chính phủ thống nhất trình Quốc hội sửa một Luật liên quan 15 Luật”.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ cũng đã thông qua dự thảo dự án luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tập trung hỗ trợ các DN loại này cũng như các DN khởi nghiệp, đồng thời tác động chuyển các hộ kinh doanh lên thành lập DN.

Những động thái nói trên cho thấy, Chính phủ đã và đang tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng để tạo điều kiện cho cộng đồng DN hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, có thể thấy, trong tư duy xây dựng thể chế, chính sách của nhà quản lý đã có những thay đổi mạnh mẽ. Từ lúc coi DN nhà nước là xương sống của nền kinh tế, là những “quả đấm thép” dẫn dắt nền kinh tế, giờ đây, trọng tâm ấy được quan tâm, chia sẻ bình đẳng cho khu vực doanh nghiệp dân doanh, chú trọng DN nhỏ và vừa.

Hàng loạt các chính sách được thay đổi, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi cũng chú trọng hơn vào khu vực kinh tế tư nhân, điều mà chưa từng xảy ra trước đây.

Dường như, chúng ta đã ít nghe hơn đến cụm từ “phân biệt đối xử”, bởi trong thể chế, hành lang pháp lý hiện nay, hai khu vực DN đã được “đối xử” bình đẳng hơn. Điều này cũng được chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cả nước ước tính có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh, mà theo luật mới, hộ có 10 lao động trở lên sẽ phải đăng ký thành lập DN”.

Rõ ràng, với những động thái nói trên, hơn 500.000 DN nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân đang chứng kiến những cải thiện đáng kể ở môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là khởi điểm.

Liệu 5 năm nữa, Việt Nam có 1 triệu DN như kỳ vọng của Chính phủ hay không? Liệu 5,6 triệu hộ kinh doanh hiện nay có thể lớn lên để trở thành những DN thực thụ hay không?

Câu trả lời còn tùy thuộc vào chính bản thân, năng lực nội sinh của mỗi DN, doanh nhân, họ có thể bứt phá bằng chính khả năng của mình hay không.

Bên cạnh đó, cơ chế, hành lang pháp lý mà Nhà nước đưa ra có thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng DN hay không. Bởi thực tế, đã có không ít DN phá sản chỉ vì gặp những rào cản trong môi trường kinh doanh.

Dư luận xã hội kỳ vọng, với bản ký kết giữa 21 tỉnh, thành phố với VCCI về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, những gì sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới sẽ thực sự là “cú hých” để tạo động lực cho cộng đồng DN phát triển, thực sự là “mồi lửa” để thắp sáng tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ doanh nhân trẻ của Việt Nam. Và mục tiêu Việt Nam có 1 triệu DN trong 5 năm nữa sẽ trở thành hiện thực.

Điều này cũng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ: “Số DN mới tăng lên trong 5 năm nữa theo đăng ký của các địa phương không phải đăng ký để lấy thành tích, mà phải hoạt động thực sự hiệu quả!”.

Trung bình mỗi tháng cả nước có gần 10.000 DN mới được thành lập. Riêng TP Hà Nội, con số này là 2.000 DN. Tại lễ ký kết với VCCI vừa qua, Hà Nội cam kết tới năm 2020 có khoảng 400.000 DN được thành lập mới. Như vậy, cùng với TP Hồ Chí Minh là 500.000 DN, và những động thái mà Chính phủ đang tạo ra cho môi trường kinh doanh hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ hy vọng, mục tiêu có 1 triệu DN sau 5 năm nữa mà Chính phủ đề ra hoàn toàn có thể đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thắp lửa' cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO