Năm học mới đã đi qua gần 1 tháng, với những lớp đầu cấp, đơn cử như lớp 1 thì mối quan tâm lớn nhất là câu chuyện về SGK và chương trình GDPT mới triển khai có thuận lợi hay không. Còn với học sinh cuối cấp, nhất là học sinh lớp 12 thì các em quan tâm lắm việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2020- 2021 sẽ diễn ra như thế nào.
Đại đa phần các trường THPT tại Hà Nội khi tuyển sinh đầu vào, đã tổ chức phân ban để định hướng cho các em thuận lợi cho khối thi sau này. Nhưng không ít trường, cho đến tận năm lớp 12, việc phân ban vẫn tiếp tục được xới xáo trở lại đã gây ảnh hưởng tới tâm lý của cả học sinh và cha mẹ các em. Nhiều người cùng có chung mối băn khoăn: Vậy phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021 có gì thay đổi?
Cách đây ít ngày, trên mạng xã hội lan truyền thông tin từ năm 2021, Bộ GDĐT dự kiến sẽ không ra đề thi tốt nghiệp THPT các năm tới nữa để tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Theo luồng tin này, việc thi tốt nghiệp THPT sẽ như một kỳ kiểm tra đánh giá sau 12 năm học mà trách nhiệm thuộc về các địa phương, dựa trên chuẩn yêu cầu chất lượng của Bộ GDĐT. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tự ra đề và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn các trường ĐH sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh của mình.
Trước những quan tâm của dư luận, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã cho hay: Kỳ thi năm 2020 đã được giao về cho địa phương với cách ra đề theo chuẩn đầu ra của chương trình, chứ không ra đề nhằm 2 mục tiêu như kỳ thi THPT trước đây. Nhờ vậy, kết quả thi đã phản ánh đúng hơn chất lượng dạy học ở phổ thông, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi với tên gọi thi tốt nghiệp THPT.
Cách thức xây dựng đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả mà Thông tư 26 thay đổi đánh giá, kiểm tra học sinh THCS, THPT đang hướng tới cũng nhằm tiến tới việc đánh giá định kỳ thực chất, công bằng hơn giữa các nhà trường, địa phương.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho hay: Tất cả các phương án về kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được nghiên cứu và bàn bạc kỹ, Bộ GDĐT chưa thể quyết định được vào lúc này. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, đầu tháng 10 tới, Bộ GDĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương chuẩn bị. Trước khi công bố, phương án này phải trình và được Chính phủ đồng ý mới cho phép triển khai.
Trên thực tế, từ vài mùa tuyển sinh trở lại đây, việc ngày càng có nhiều học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp; việc các trường ĐH đa dạng phương thức tuyển sinh (xét học bạ, xét điểm thi THPT, xét tuyển theo diện tuyển thẳng, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực…) đã khiến bức tranh tuyển sinh ngày một nhiều gam màu hơn.
Cùng với đó, do “đầu vào” ĐH cũng ngày càng có xu hướng mở, nên trong quan niệm của nhiều người, việc đậu ĐH bây giờ cũng không phải là quá khó. Dẫu thế, trong quá trình tìm hiểu về công tác tuyển sinh, lãnh đạo nhiều trường cho biết họ vẫn kiên quyết giữ thương hiệu của trường, không tuyển sinh bằng mọi giá để đạt chỉ tiêu.
Chính vì những lý do đó, mong muốn của đại đa số học sinh lớp 12 THPT lúc này là việc Bộ GDĐT sớm đưa ra được phương án cho kỳ thi THPT 2021 sao cho phù hợp với việc vừa học, vừa lo phòng dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Nếu phương án học/thi được điều chỉnh sát thời điểm quá, e cả thầy và trò và phụ huynh đều bị động. Giáo viên thì lo bị động trong quá trình ôn luyện thi; phụ huynh lo có quá ít thời gian để cùng con điều chỉnh khối/ngành thi hoặc xoay chuyển phương án dự phòng cho phù hợp.