Theo kế hoạch, trong tuần này, Bộ GDĐT sẽ có các cuộc họp về phương án thi THPT quốc gia và phương án tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2020. Hiện Bộ đã sẵn sàng các “kịch bản” cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19. Các địa phương thì mong muốn Bộ sớm có phương án để chủ động hơn trong việc dạy và học. Vậy phương án nào phù hợp với diễn biến chống dịch Covid- 19?
Đề thi tham khảo đã tính toán kỹ
Khi Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn: Việc Bộ công bố tinh giản chương trình cho phù hợp điều kiện học trực tuyến hiện nay và đề thi tham khảo đã tính đến điều kiện học tập của học sinh miền núi và các địa phương còn khó khăn trong việc triển khai dạy học trực tuyến hay chưa?
Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: Đề thi tham khảo đã tính đến điều kiện học tập của học sinh miền núi. Theo ông Trinh, việc xây dựng đề thi tham khảo và công bố như hiện nay đang thực hiện theo đúng “kịch bản” về phương án thi THPT quốc gia mà Bộ đưa ra để phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19. Với kịch bản ấy việc xây dựng đề thi tham khảo là cần thiết, phù hợp và hỗ trợ tốt cho giáo viên và học sinh. Bộ có thể khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh. Còn hiện nay, trong khi Bộ chưa công bố phương án nào khác các nhà trường và học sinh căn cứ vào đề tham khảo mà Bộ vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi.
Dự kiến, ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc họp cùng Vụ Giáo dục ĐH họp về phương án tuyển sinh ĐH năm 2020. Sau các cuộc họp, dự kiến đến cuối tuần này, Bộ GDĐT sẽ đưa ra một số kịch bản về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Hài hòa giữa thi và tuyển sinh
Nhiều thầy cô cho rằng, với tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, chưa biết khi nào học sinh quay trở lại trường. Trong khi đó, việc học trực tuyến, học trên truyền hình mới chỉ là hình thức tình thế, không đồng bộ giữa các địa phương, các khu vực và như vậy không tạo ra sự công bằng. Do đó, Bộ GDĐT nên xây dựng các phương án như: Giao việc xét tốt nghiệp về cho các địa phương, cho các trường. Hoặc nếu thi THPT quốc gia thì chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Còn nếu phải thi đủ 4 môn thì bài thi tự chọn chỉ bao gồm 45 câu chia đều cho 3 môn thành phần. Hoặc xây dựng quy định để thực hiện thi online. Nếu cần thiết, trong tình thế quá phức tạp thì nên tính đến phương án xét đặc cách tốt nghiệp.
Ghi nhận cho thấy, sau khi Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia, nhiều địa phương đã ráo riết triển khai các hình thức học online, học trên truyền hình nhằm giúp học sinh chủ động ôn luyện, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng nhiều địa phương vùng núi, thậm chí ở những vùng lõm ở các đô thị, việc học tập của học sinh còn nhiều khó khăn. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị máy tính, điện thoại thông minh cho học sinh học trực tuyến. Vì thế việc học tập từ xa của các em gián đoạn, thật khó theo kịp các bạn khi không thể học được kiến thức mới.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) phân tích, chúng ta lo chất lượng giáo dục cho học sinh và tìm mọi cách để các em được tiếp tục học tại nhà hay học trực tuyến trong lúc này là quan điểm rất đúng. Nhưng cũng phải dựa vào khả năng hiện có của các trường, các địa phương mà đưa ra chủ trương và hướng dẫn hành động một cách hợp lý.
Bộ GDĐT đã ban hành giảm thời lượng và nội dung dạy học của kỳ 2 năm học 2019 - 2020 cho tất cả các lớp từ lớp 1 tới 12. Bộ cũng nên giảm môn thi THPT quốc gia và giảm môn thi hoặc chỉ chọn hình thức xét tuyển vào lớp 10 năm học 2020 - 2021. Trong lúc dịch Covid-19 còn phức tạp, thiết nghĩ nên tìm cách giảm áp lực, khó khăn cho các gia đình và nhà trường.