An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội. Cuối năm, gần Tết Nguyên đán, mức tiêu thụ tăng cao thì nỗi lo về mất an toàn thực phẩm càng nổi lên.
Ngày 16/9/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 382 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm; yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu dùng.
Mỗi năm, gần 30.000 trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo Thông báo số 382, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Công thương tiến hành rà soát, chú trọng các quy định về phân công trách nhiệm quản lý rõ ràng, tránh trùng chéo; thực hiện có hiệu quả các biện pháp như truy xuất nguồn gốc thực phẩm, công bố sản phẩm, hậu kiểm; phát huy vai trò của người dân trong giám sát thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP); áp dụng mức chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Thông báo cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm (trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo); kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Yêu cầu các lực lượng chức năng thuộc các bộ: Công an, Quốc phòng (biên phòng, cảnh sát biển), Công thương (Quản lý thị trường), Tài chính (Hải quan) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng, chống nhập lậu và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn.
Tại Hà Nội, thông tin từ Sở Y tế cho biết, trong 10 tháng năm 2023, toàn thành phố thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra ATTP. Tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra, hậu kiểm là 82.426 cơ sở, trong đó, đạt 72.183 cơ sở chiếm tỷ lệ 87,5 %, phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm. 6.578 cơ sở bị phạt với số tiền là hơn 14 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: Khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về ATTP. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm ATTP....
Có 709 cơ sở bị hủy sản phẩm với tổng số 199 loại sản phẩm; 67 cơ sở bị đình chỉ; 2.886 cơ sở nhắc nhở tại chỗ những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức...
Trong 10 tháng, trên địa bàn TP Hà Nội, xảy ra: Quận Thanh Xuân 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 72 người mắc, không có tử vong. Huyện Mê Linh 1 trường hợp ngộ độc nghi do rượu trắng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Huyện Thạch Thất 1 trường hợp ngộ độc cũng do rượu không rõ nguồn gốc. Quận Hoàng Mai: 15 học sinh rối loạn tiêu hóa. Huyện Gia Lâm: 7 học sinh theo dõi nhiễm trùng đường tiêu hóa. Huyện Phúc Thọ: 4 trường hợp theo dõi rối loạn tiêu hóa. Quận Ba Đình: 8 học sinh theo dõi rối loạn tiêu hóa. Quận Long Biên: 2 học sinh rối loạn tiêu hóa (nằm viện).
Trong khi đó, thông tin tại hội thảo “Giải pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm và hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023” cho thấy, hàng năm có tới gần 30.000 trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP được phát hiện, số tiền xử phạt lên đến 50 tỷ đồng.
Còn con số đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP và đánh giá hoạt động của mô hình Ban Quản lý (BQL) ATTP tại TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh thì 6 tháng đầu năm nay, ngành y tế đã kiểm tra 250.938 cơ sở, phát hiện 40.403 cơ sở vi phạm ATTP, phạt số tiền 24,73 tỷ đồng. Từ đầu năm đến hết ngày 21/6, toàn quốc ghi nhận 57 vụ ngộ độc thực phẩm làm 864 người mắc và 13 trường hợp tử vong.
Tìm giải pháp chặn thực phẩm “bẩn”
Tại Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn” mới đây, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề ATTP. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn tồn tại một số bất cập như mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở; các hình thức kinh doanh trên nền tảng số ngày một đa dạng, khó quản lý; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới; quảng cáo thực phẩm sai sự thật; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý diễn biến phức tạp; thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa thực sự bảo đảm, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân cũng như an ninh, ATTP.
Để đảm bảo an ninh, ATTP trong thời gian tới, đại diện Vụ Khoa học và công nghệ cho biết, Bộ Công thương sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ chính. Đó là hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức bộ máy; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Rà soát, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP.
Hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước.
Theo TS Cao Văn Trung (Cục ATTP, Bộ Y tế), các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Trong 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm có đến 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm tới ATTP. Đáng chú ý, do điều kiện kinh tế còn thấp nên người dân vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mà không nghĩ đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Nhấn mạnh việ phải xây dựng ý thức cộng đồng về ATTP, bà Lê Việt Nga (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) cho rằng, thông qua hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, các cơ quan quản lý nhận diện rõ hơn mức độ, nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã rất cấp thiết. Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về ATTP, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả.
“Công tác ATTP là công tác ưu tiên, đặc biệt là ATTP đối với các mặt hàng thiết yếu, được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như gạo, thịt lợn, trứng, dầu ăn, thủy hải sản, rau củ, bánh kẹo” - bà Nga nói.
“Trám” kẽ hở trong an toàn thực phẩm
Trong bối cảnh ATTP vẫn là mối lo lớn, thì việc TPHCM xây dựng đề án thành lập Sở ATTP để giải quyết những tồn tại, vướng mắc của mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP, thu hút nhiều chú ý.
Được biết, hơn 6 năm hoạt động, mặc dù mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP ở TPHCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh bước đầu mang lại nhiều hiệu quả nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế quyền hạn. Theo ông Nguyễn Vinh Thanh - Trưởng BQL ATTP tỉnh Bắc Ninh thì gặp khó khăn khi cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành có liên quan cho mô hình thí điểm BQL. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.
“BQL hoạt động chịu sự quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên gặp khó khăn trong công tác tham mưu, báo cáo” - ông Thanh nói.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng BQL ATTP TP Đà Nẵng, BQL tương đương cấp sở, có chức năng tham mưu UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật về ATTP trên địa bàn nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành có liên quan cho mô hình thí điểm là BQL. Điều này gây lúng túng trong quá trình hoạt động của BQL. Đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.
Đáng chú ý, theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM, liên quan công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực, hiện nay BQL chỉ mới thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chưa có chức năng thanh tra hành chính. Trong khi khối lượng công việc rất lớn do tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trái luật trên địa bàn ngày càng tinh vi, nhưng nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo đảm ATTP chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Bà Lan cũng cho biết, các đội quản lý ATTP thuộc Phòng Thanh tra của BQL đang thực hiện nhiều việc vượt quá chức năng, nhiệm vụ.
Vì thế, đề xuất của TPHCM nâng Ban quản lý ATTP lên thành Sở là rất cần được quan tâm, để bảo đảm công việc không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài. Vì nếu thực phẩm “bẩn” không được kiểm soát chặt chẽ thì mối lo chung của xã hội sẽ vẫn còn đó.
Ngày 21/10/2022, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới. Theo Chỉ thị 17, với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, ATTP, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ trung ương tới địa phương. Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 17 cùng các cơ sở pháp lý và thực tiễn, UBND TPHCM đã xây dựng đề án thành lập Sở ATTP, là cơ quan đầu mối phụ trách quản lý ATTP trên địa bàn TPHCM và đã nhận được góp ý từ Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ. Với đa số đồng thuận.