Dự án nuôi tôm công nghiệp tại xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), được phê duyệt từ năm 2002, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Từng được xem là một “siêu” dự án, tuy nhiên sau hơn 20 năm tồn tại, dự án này đang nằm trong tình trạng “sống dở, chết dở”. Các chủ ao tôm lâm vào thua lỗ, nợ nần, chính quyền thất thu ngân sách, cùng với đó là nhiều hệ lụy về môi trường.
Năm 2002, dự án nuôi tôm công nghiệp Thanh Thủy được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng số vốn lên đến hơn 70 tỷ đồng và được xây dựng trên đồng nuôi tôm quảng canh có diện tích hơn 200ha thuộc xã Thanh Thủy trước đó. Tuy nhiên, do nhiều bất cập trong khâu quản lý, vận hành, nhiều chủ ao nuôi tôm đã phải “bỏ của chạy lấy người”, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do các ao nuôi xả thải không theo quy định.
Khốn khổ vì… tôm
Chúng tôi đến cánh đồng nuôi tôm xã Thanh Thủy giữa cái nắng nóng tháng 5 lên đến đỉnh điểm. Cả không gian đồng tôm rộng lớn bị bao trùm bởi mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên từ con kênh chứa nước thải đen đặc và ken dày xác cá đã thối rữa. Từ đây, nước thải chảy ra cửa cống tiêu rồi được xả thẳng xuống sông Yên (xã Thanh Thủy).
Ông Lê Ngọc Hải - chủ hệ thống ao nuôi tôm rộng 2ha tại khu nuôi tôm công nghiệp Thanh Thủy không giấu được sự mệt mỏi cho biết: Cách đây gần 10 năm, do tích lũy được ít vốn làm ăn, gia đình ông nhận thầu lại diện tích gần 5ha ao nuôi tôm, với hi vọng đổi đời từ con tôm thẻ chân trắng. Cộng với số vốn có được, ông Hải vay mượn thêm đầu tư vào đồng tôm gần 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 2 năm, gia đình ông không thu được một đồng lời nào từ các ao tôm. Không dám bỏ cuộc vì số tiền đã đầu tư lớn, ông Hải đã phải nhượng bớt diện tích ban đầu cho người khác, thu hẹp số ao nuôi của mình xuống còn 2ha, xây dựng quy mô 5 ao nuôi tiêu chuẩn, mong lấy lại số vốn ban đầu. Lần đầu tư tiếp theo này, gia đình ông Hải cũng đã phải chi ra thêm gần 2,5 tỷ đồng, chưa kể khoản tiền 40 triệu đồng phải chi trả cho tiền thuê mặt bằng hàng năm với người dân địa phương.
Ông Hải cho biết, với cách làm mới, tình hình nuôi tôm khả thi hơn những năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn như: Giá cả thị trường đầu ra cho tôm thành phẩm rất bấp bênh, tiền thức ăn, tiền xử lý nước…dễ đẩy người nuôi tôm vào cảnh trắng tay. Chỉ đến khi nào bán xong tôm mới có thể đánh giá được thành công hay thất bại. “Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đã nợ ngân hàng, anh em trong gia đình số tiền lên đến 3 - 4 tỷ đồng. Giờ lỡ đầu tư rồi, tôi chỉ biết cắm đầu làm và… mong mọi việc được thuận lợi. Đã có rất nhiều chủ ao khác như tôi phải bỏ cuộc, chấp nhận mất trắng hàng tỷ đồng và lâm vào cảnh nợ nần” - ông Hải than thở.
Ngoài các nguyên nhân kể trên dẫn đến người nuôi tôm ở đây không đạt được hiệu quả thì còn một nguyên nhân khác khiến tôm trong các ao nuôi luôn rơi vào tình trạng báo động là ô nhiễm nguồn nước. Việc các hộ nuôi tôm xả thải thẳng ra sông Yên, sau đó lại bơm nước từ chính con sông này ngược lại đồng nuôi tôm đã khiến dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn tôm.
Thất thu ngân sách
Tìm hiểu dự án nuôi tôm công nghiệp tại xã Thanh Thủy được biết: Dự án nuôi tôm công nghiệp xã Thanh Thủy được Bộ NNPTNT giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư và được khởi công từ tháng 11/2002, hoàn thành, đưa vào vận hành tháng 2/2003, với quy mô hơn 200ha, tổng mức đầu tư lên đến hơn 70 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và vốn vay. Trong quá trình thực hiện, theo đề nghị của chủ đầu tư dự án được điều chỉnh thiết kế 2 lần. Tuy nhiên, khi dự án triển khai được một phần thì dừng đầu tư và giao lại cho tư nhân tiếp tục đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Dự án nuôi tôm công nghiệp Thanh Thủy được kỳ vọng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của hơn 200ha cánh đồng ven đê sông Yên của xã. Tháng 2/2003, khi dự án đi vào hoạt động, chính quyền đã giao thầu cho các công ty và hộ dân nhận thầu nuôi tôm thông qua các hợp đồng kinh tế. Từ tháng 6/2003 đến năm 2009, việc nuôi tôm không đem lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai từ cơn bão số 7 năm 2005, môi trường nuôi tôm bị tàn phá đã gây thiệt hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng của đồng tôm bị hư hỏng nặng. Hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công của dự án đều không còn, khiến cho khâu thanh quyết toán với các nhà thầu thi công gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù được đánh giá là một “siêu” dự án nhưng khi triển khai, ngành chức năng không tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của người dân và thành lập ban quản lý theo quy định.
“Đến thời điểm hiện tại, đất thực hiện dự án vẫn là đất của các hộ nông dân tại địa phương nên để duy trì hoạt động nuôi tôm, các chủ ao nuôi phải đàm phán với các hộ nông dân (là chủ đất) để thuê, dưới hình thức ký hợp đồng trực tiếp với nhau, với mức giá là 750.000 đồng/1 sào/năm. UBND xã Thanh Thủy chỉ đóng vai trò trung gian, đóng dấu cho các hợp đồng (vì có tư cách pháp nhân). Xã không giữ lại, hay thu bất kỳ một khoản nào cho ngân sách từ đồng tôm từ đó đến nay” - ông Thái nói và cho biết, do không có cơ quan quản lý nên người nuôi tôm “mạnh ai nấy làm”. Từ việc nạo hút cát cải tạo ao hồ nuôi tôm không theo quy chuẩn, đến xả thải trực tiếp ra sông Yên... đã gây ra những hệ lụy cho môi trường.
Ông Cao Bát Chí - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đầu tiên, dự án được giao cho Ban quản lý thủy sản tỉnh Thanh Hóa quản lý trực tiếp. Đến năm 2016, sau khi sáp nhập 5 ban của ngành nông nghiệp lại và thành lập Ban quản lý nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa thì ban này tiếp nhận lại và tiếp tục quản lý, thực hiện đầu tư. Còn vì sao không thu hồi đất dự án là vì bản chất của dự án không phải đền bù, giải phóng mặt bằng.
(Còn nữa)