Ông Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Nghiên cứu chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: “Cơ hội vô vàn, thách thức to lớn nhưng nguồn lực và năng lực lại hạn chế. Đông Nam Bộ cần chuẩn bị về công nghệ, tri thức…cho hội nhập, đặc biệt phải liên kết các tỉnh thành với nhau. Không liên kết thì Đông Nam Bộ chỉ là 1 chiếc đũa dễ dàng bẻ gãy”
Ngày 16/9, tại TP HCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các tỉnh/ thành trong khu vực tổ chức diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ, với chủ đề “Hội nhập quốc tế - Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng”.
Hiện, Đông Nam Bộ đang là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước: kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước; có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 - 1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, vùng kinh tế Đông Nam Bộ đã thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, chiếm 51,6% số dự án cấp mới, 62,5% lượt dự án tăng vốn và 42,2% tổng vốn đầu tư trong cả nước.
Theo ông Đào Duy Khương- Phó Chủ tịch VCCI, vùng Đông Nam Bộ là khu vực đầu tầu kinh tế của cả nước với 4 tỉnh hạt nhân phát triển của vùng kinh tế: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn ông Cao Đức Phát- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như điện tử, phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics,… Ngoài ra, vùng còn hội nhập, mở rộng giao thông, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Tuy nhiên, cạnh đó, ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra một số “khuyết tật” cho thấy kinh tế vùng Đông Nam bộ tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững, hạn chế liên kết vùng. Mặc dù được quy hoạch là vùng kinh tế trọng điểm nhưng sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, liên kết vùng yếu. Về tồn tại mang tính khách quan, quy hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm nhưng Đông Nam Bộ thiếu thể chế đặc thù mang tính điều phối và liên kết kinh tế.
Nhận định về kinh tế của vùng này, ông Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Nghiên cứu chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, vùng này có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế. Bằng chứng, Đông Nam Bộ đóng góp rất nhiều cho ngân sách, giúp tăng trưởng GDP nhưng ngặt nỗi đầu tư phát triển chỉ đạt khoảng 18%. Điều này chứng tỏ kinh tế Đông Nam Bộ đang tắc nghẽn. Thời gian tới nên lấy Đông Nam Bộ thí điểm cho hoạt động hội nhập kinh tế thế giới. Nếu vùng kinh tế năng động phát triển nhất cả nước mà “bắt nhịp” tốt với sân chơi chung của quốc tế thì kinh tế cả nước sẽ phát triển theo.
Vấn đề đặt ra là giải pháp nào thúc đẩy kinh tế Đông Nam Bộ phát triển? “Cơ hội vô vàn, thách thức to lớn nhưng nguồn lực và năng lực lại hạn chế. Đông Nam Bộ cần chuẩn bị về công nghệ, tri thức…cho hội nhập, đặc biệt phải liên kết các tỉnh thành với nhau. Không liên kết thì Đông Nam Bộ chỉ là 1 chiếc đũa dễ dàng bẻ gãy”- ông Vũ Thành Tự Anh lưu ý.
Yêu cầu đặt ra hiện nay cần liên kết địa phương với nhau, DN với nhau tạo cụm ngành công nghiệp. Hay nói cách khác cùng nhau xây dựng tạo ra sự phân công lao động sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời hướng đến những đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sức mạnh chung để thành “hạm đội” lớn cùng nhau đi ra biển lớn.
Tương tự, ông Đào Duy Khương cho rằng, Đông Nam Bộ cần phải định vị là một khu vực thống nhất, liên kết kinh tế tạo sức cạnh tranh cao ở thị trường trong và ngoài nước. Tiếp đó là phải xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết theo các tiêu chí tốc độ, quy mô và độ bền vững; cùng với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tăng cạnh tranh.