Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã qua 8 năm triển khai thực hiện. Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, CVĐ ngày càng đi vào thực chất, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, thay đổi nhận thức, hành vi người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Quang Vinh.
PV:Nhìn lại năm 2017, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”đã đạt được những kết quả tích cực. Bà nhìn nhận như thế nào về những thành công trong năm qua?
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Năm 2017 với sự tham gia tích cực nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó điển hình là vai trò tích cực của Bộ Công thương phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai những hoạt động của Ban Chỉ đạo, hướng dẫn cho Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành triển khai những hoạt động để thực hiện có hiệu quả và thực chất kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Quyết định 634 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Với những nỗ lực tích cực từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai đến tận các khu dân cư và tạo được sự lan tỏa trong nhân dân, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ngày càng rõ rệt.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn, sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cuộc vận động đã tác động khuyến khích mạnh mẽ với các doanh nghiệp trong sản xuất qua việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm hàng hóa để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong xu thế hội nhập quốc tế.
Đặc biệt việc xây dựng các mô hình để tạo sự hiểu biết, nhận diện về hàng hóa Việt Nam cũng như cảnh báo với người tiêu dùng về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai hiệu quả với các chương trình nhận diện hàng Việt, chương trình tự hào hàng Việt Nam, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Tất cả nhưng kết quả đó đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và làm cho CVĐ sau 8 năm thực hiện ngày càng đi vào thực chất hơn.
Xu hướng của nền kinh tế hội nhập đang mở ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2018 Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ sẽ tập trung chủ yếu vào những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa bà?
- Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn thì tính cạnh tranh cũng gay gắt hơn nhưng đó cũng là điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vươn lên. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa ra những định hướng để phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, các địa phương khuyến khích, động viên các doanh nghiệp vươn lên.
Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ sẽ tiếp tục triển khai các đề án mà Bộ công thương quản lý để phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ như việc xây dựng các điểm bán hàng Việt, thực hiện đề án kết nối cung cầu để tạo ra sự gặp gỡ giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp, các sản phẩm trong nước.
Cùng với đó hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để khẳng định được vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giữ được thị phần trong xu thế hội nhập; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để làm cho các thương hiệu Việt đã được xây dựng ngày càng lan tỏa hơn để người tiêu dùng Việt Nam biết đến các thương hiệu Việt nhiều hơn, sâu sắc hơn.
Cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt ngày càng lan tỏa rộng rãi.
Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ cũng đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý thị trường để khắc phục được tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trong cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã công bố logo của Cuộc vận động. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng logo như thế nào? Trong thời gian tới Ban chỉ đạo Trung ương và các cơ quan sẽ có sự phối hợp như thế nào để sớm có các quy định và tiêu chí sử dụng logo của CVĐ, thưa bà?
- Để chọn được logo chính thức của Cuộc vận động là một quá trình, Ban chỉ đạo phải tổ chức nghiên cứu, tổ chức các cuộc thi và hội đồng thẩm định đánh giá, bình chọn để quyết định chọn ra được logo chính thức.
Có được logo chính thức thì các hoạt động, các doanh nghiệp đồng hành thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ có những cơ hội, điều kiện để khẳng định thương hiệu của mình rõ ràng hơn, cụ thể hơn, và người tiêu dùng cũng biết đến hàng hóa của doanh nghiệp Việt nhiều hơn.
Sắp tới Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ sẽ phối hợp với Bộ Công thương để xây dựng quy chế quản lý và sử dung logo của CVĐ. Những hoạt động nào, những doanh nghiệp nào cam kết đồng hành cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức để thực hiện CVĐ chúng tôi sẽ xem xét để sử dụng logo CVĐ gắn với thương hiệu hàng hóa sản phẩm của đơn vị mình.
CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã chính thức bước sang năm thứ 9. Bà mong muốn CVĐ sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới?
- Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện trách nhiệm của mình. MTTQ Việt Nam với vai trò là Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tăng cường các hoạt động giám sát các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực trong cơ chế thị trường, hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng ở vùng sâu vùng xa.
Năm 2019, CVĐ sẽ bước sang năm thứ 10, Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu cho Ban Bí thư để tổng kết 10 năm CVĐ. Trong công tác tham mưu tổng kết sẽ cố gắng đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền để thấy được những chuyển biến về nhận thức hành vi của người tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!