Đến tháng 12/2022, các trường nghề tuyển được 2,3 triệu học viên, tăng khoảng 400.000 người so với năm 2021. Đây là số liệu được đưa ra trong Hội nghị về công tác truyền thông Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sáng 26/12, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhận định, một trong những nguyên nhân giúp tăng số người học nghề trong năm 2022 đến từ công tác truyền thông. Trong bối cảnh chuyển đổi số, trường nghề đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội, tổ chức nhiều cuộc thi để kết nối người học. Các cơ sở GDNN đã chủ động trong công tác truyền thông, xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong GDNN. Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động kết nối, gửi tin bài, ảnh, video cho Tổng cục GDNN đăng tải, phổ biến, nhất là về các mô hình, tấm gương điển hình, tiêu biểu.
Cùng với đó, việc phân luồng, định hướng học sinh được duy trì tốt, quan điểm và thông điệp đại học (ĐH) không phải con đường duy nhất để lập nghiệp được lan tỏa. Truyền thông đã có tác động lớn đến các đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động và phần nào làm thay đổi được nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, cả xã hội về GDNN.
Tuy nhiên, một số hạn chế ở lĩnh vực này đã được chỉ ra, bao gồm: Chưa triển khai tổ chức được các chương trình lớn, game show về GDNN; các chuyên mục chuyên sâu trên các cơ quan thông tấn báo chí chưa nhiều; truyền thông GDNN tới vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Các chương trình phát thanh tiếng dân tộc chưa nhiều… Trước đó, năm 2021 hệ thống GDNN đặt chỉ tiêu 2,2 triệu, nhưng chỉ tuyển được 1,95 triệu người học, đạt 85,14%. Theo Tổng cục GDNN, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19, việc đào tạo phải chuyển sang hình thức trực tuyến, gây khó khăn trong thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Năm 2022, ngoài tuyển sinh, tại cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới phiên bản đặc biệt (World Skills Special Edition 2022), Việt Nam đã giành 2 Huy chương Bạc tại nghề Phay CNC, Tiện CNC. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam trong gần 20 năm tham dự cuộc thi này. Ông Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá, những kết quả này cho thấy chất lượng đào tạo của GDNN đã được nâng cao, nhận thức của xã hội, doanh nghiệp về học nghề cũng từng bước được cải thiện.
Thời gian qua, chất lượng và hiệu quả GDNN đang đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động. Điều này thể hiện qua con số hơn 80% người tốt nghiệp đã có việc làm. Ở một số lĩnh vực, người học sau khi tốt nghiệp đã có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Theo Tổng cục GDNN, hiện bậc trung cấp có khoảng 800 ngành, nghề, cao đẳng 400 ngành, nghề, chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ. Ông Bình cho rằng trong các năm tới, các cơ sở GDNN cần tận dụng những ưu thế của mình, phối hợp với các trường THPT định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cuối THCS và THPT.
Nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông GDNN năm 2023, ông Bình nhấn mạnh 5 nội dung. Trong đó cùng với việc tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai, cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài và nhân rộng trong cả nước; triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN giai đoạn 2021-2025 và Chỉ số nâng cao chất lượng đào tạo nghề…
Tổng cục GDNN cho biết, trên toàn quốc hiện có 1.904 cơ sở GDNN với 407 trường cao đẳng, 439 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN. Số cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị, chiếm 36%. Hàng năm, số lượng tuyển sinh GDNN đạt khoảng 2,2 triệu người.
Khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố
Ngày 26/12, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học (HASEF) năm học 2022- 2023. Cuộc thi chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong nghiên cứu khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong các trường trung học, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, góp phần phát triển phẩm chất năng lực của học sinh.
Năm học 2022- 2023, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật thành phố Hà Nội có sự tham gia của 84 dự án xuất sắc đã vượt qua vòng thi cấp trường (đối với cấp THPT) và vòng thi cấp quận, huyện (đối với cấp THCS); thuộc 4 lĩnh vực: Vật lí (32 đề tài), Hóa học (10 đề tài), Vi sinh- môi trường (22 đề tài) và Khoa học xã hội- hành vi (20 đề tài).Với các cơ quan quản lý, nhà trường, nhà khoa học, cuộc thi giúp tạo lập mối liên hệ giữa các nhà khoa học, đưa viện nghiên cứu, trường đại học về gần trường phổ thông hơn và cũng là dịp thuận lợi để các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu gặp gỡ, hướng dẫn học sinh trong tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
M.K