Để thay đổi ý thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, nhiều địa phương thuộc huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã kịp thời tuyên truyền, tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường. Mặt khác, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích, qua đó huy động cả cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
Chăn nuôi theo hướng thân thiện
Trước thực trạng phát triển chăn nuôi ồ ạt, không chú trọng bảo vệ môi trường của người dân một số xã của huyện Cẩm Xuyên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể nơi đây quyết tâm chấn chỉnh. Các giải pháp đồng bộ đưa ra đã giải quyết được vấn nạn này ở khu vực nông thôn.
Đơn cử, tại xã Cẩm Thành, theo bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết, Cẩm Thành là xã thuần nông, chủ yếu sản xuất lúa và chăn nuôi, một số ít làm nghề thủ công hoặc buôn bán. Dân số dần tăng cao, nhiều hoạt động diễn ra khiến rác thải sinh hoạt, chất thải rắn ở khu vực nông thôn ngày càng gia tăng.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân quét dọn vệ sinh bảo đảm môi trường sống ở khu dân cư trong lành, xanh - sạch - đẹp.
Nhiều mô hình trong công tác bảo vệ môi trường của xã Cẩm Thành nhanh chóng được hình thành, tiêu biểu như: Mô hình nệm lót sinh học trong chăn nuôi nông hộ, mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tổ nhà sạch vườn đẹp, ngôi nhà xanh phân loại rác gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
“Trước đây, việc bảo vệ môi trường ở nông thôn bị người dân bỏ mặc, rác thải tại địa phương được xả bừa bãi, có thể nhìn thấy bất cứ nơi đâu. Trước tình hình đó, chính quyền xã Cẩm Thành đã triển khai các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin cũng như hoạt động giáo dục về môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới từng hộ gia đình và mỗi cá nhân. Từng bước đổi mới tư duy, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với thiên nhiên và môi trường” - bà Hằng nói.
Trong các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ 100 nghìn đồng/m2 cho các hộ dân xây dựng mô hình nệm lót sinh học. Chính sách ra đời đã nhanh chóng đi vào đời sống và giải quyết bài toán môi trường trong chăn nuôi nông hộ. Quy trình làm nệm lót sinh học không quá cầu kì, chỉ cần 5kg cám gạo trộn với men vi sinh, ủ trong vòng một ngày, sau đó rắc lên vỏ trấu, cứ một lớp trấu là một lớp men. Làm khoảng 4-5 lớp với độ dày của nệm khoảng 50cm là hoàn thành. Một nệm lót sinh học có thể sử dụng trong khoảng hơn 6 tháng, khi nào thấy phân bị hoai rồi thì lấy ra và làm tấm mới.
Theo bà Hằng, từ khi chính sách có hiệu lực đến nay trên địa bàn xã đã có hơn 50 hộ dân được hỗ trợ làm nệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… mỗi hộ chăn nuôi trung bình có diện tích từ 10-15m2. Nệm lót sinh học đã giúp xã Cẩm Thành xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại khu dân cư, từ đó hoàn thành được tiêu chí môi trường để cán đích nông thôn mới.
“Gia đình tôi nuôi 7 con bò, mùi chất thải rất khó chịu, nhất là vào những ngày mưa to. Được chính quyền xã tuyên truyền, giới thiệu về quy trình làm nệm lót sinh học, tôi đã áp dụng ngay cho chuồng bò của gia đình. Hiện tình trạng hôi thối đã được giải quyết triệt để, không còn mất nhiều thời gian để xử lý như trước đây” - ông Đặng Huân (thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành) chia sẻ.
Ngoài ra, mô hình “Ngôi nhà xanh” gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi trên địa bàn toàn xã đã thu hút khá nhiều người quan tâm và tham gia. Từ nguồn quỹ của mô hình này, các chi hội đã thăm hỏi và trao tặng 7 suất quà mỗi trị giá 1.400.000 đồng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên toàn xã.
Chú trọng phân loại rác tại nguồn
Nếu xã Cẩm Thành là điểm sáng về phát triển chăn nuôi theo hướng thân thiện thì xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) là nơi có điểm nhấn về phân loại rác tại nguồn. Việc tuyên truyền bảo vệ môi trường đến các hộ gia đình, cá nhân ở xã được đề cao. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định được khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất.
Thực hiện mô hình “Nông thôn xanh - sạch - đẹp - an toàn’’, gắn quyền lợi đi đôi trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân. Thực hiện tốt quy chế bảo vệ môi trường, duy trì công tác vệ sinh môi trường hàng tuần; tuyên truyền vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân vi sinh, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi…
Theo thống kê, mỗi năm ở khu vực nông thôn phát sinh hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu - loại rác thải nguy hại chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp ra môi trường… làm cho nguồn nước, không khí nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng. Chính từ những điều đó, xã Cẩm Vịnh nhanh chóng phân bổ mô hình thùng đựng rác bảo vệ thực vật ngay trên những cánh đồng của xã.
“Qua kênh tuyên truyền của xã và thôn, chúng tôi biết được bao bì thuốc bảo vệ thực vật bằng nhựa, ni lông, chai lọ khó phân hủy, nếu vứt bừa bãi sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Thấy chủ trương đúng thì người dân nhiệt tình hưởng ứng. Làm sạch ruộng cũng là cách bảo vệ sức khỏe người nông dân chúng tôi, vừa đảm bảo an toàn cho nông sản” - chị Nguyễn Thị Tói (thôn Tam Đồng) nói.
Những chính sách hỗ trợ và việc áp dụng mô hình hợp lý cùng với nỗ lực tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp ở huyện Cẩm Xuyên đã góp phần làm thay đổi nhận thức, ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. Giờ đây, bộ mặt, cảnh quan của các địa phương ở huyện này đã hoàn toàn thay đổi, không chỉ xanh - sạch - đẹp mà còn an lành, yên vui.
Ngày 20/5, Hội nghị công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022 do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, trong đó có đại diện của những khu dân cư có mô hình điểm về bảo vệ môi trường... Các đại biểu tham dự sẽ được phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hội nghị cũng nêu bật nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ các cấp và cộng đồng dân cư trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời triển khai Chương trình phối hợp số 05/CTrPH - MTTW - BTNMT ngày 12/1/2021 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021-2025...