Trong số những vụ án chuẩn bị xét xử có 3 vụ rất được dư luận chú ý, là: Vụ Vạn Thịnh Phát (86 bị can bị đề nghị truy tố); vụ FLC (51 bị can bị đề nghị truy tố) và Tân Hiệp Phát (3 cha con bị truy tố). Đây là những án kinh tế lớn với các tội danh lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hối lộ và nhận hối lộ, lợi vụ chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, thao túng thị trường chứng khoán... Đáng chú ý, cả 3 vụ đều có yếu tố gia đình, người thân.
Theo kế hoạch, ngày 5/3 tới, TAND TPHCM sẽ bắt đầu xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng các đồng phạm về các tội "tham ô tài sản", "đưa hối lộ", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
85 bị cáo còn lại gồm: 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội "tham ô tài sản", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng".
Đây là “siêu đại án”, với 2.404 người liên quan, gây thiệt hại cho SCB tổng cộng gần 498.000 tỷ đồng. Các bị cáo cũng bị cáo buộc đưa - nhận hối lộ với số tiền cực lớn: riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Với đại án xảy ra tại FLC, 51 bị can bị truy tố, trong đó 21 bị can bị khởi tố về tội “thao túng thị trường chứng khoán”; 31 bị can bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 4 bị can bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 3 bị can bị khởi tố về tội “cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”. Các bị cáo bị cáo buộc đã chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát. Với hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, chỉ với của 4 bị hại, tổng giá trị đã hơn 1.048 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 3 đại án kể trên, có sự cấu kết làm trái của nhiều thành viên trong gia đình, người thân. Trong vụ Vạn Thịnh Phát, liên quan đến bà Trương Mỹ Lan còn có ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric) - chồng bà Lan; Trương Huệ Vân - cháu gái và nhiều người thân khác trong “gia tộc”.
Vụ FLC, cùng với Trịnh Văn Quyết thì hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cũng bị truy tố.
Vụ Tân Hiệp Phát, cùng bị truy tố với ông Trần Quí Thanh còn có hai người con gái là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích.
Như vậy, trong quá trình hoạt động, những “bà trùm”, “ông trùm” đã “bố trí” người thân trong gia đình vào những vị trí quan trọng của tập đoàn, nhằm tạo nên “hệ sinh thái” của riêng gia tộc, từ đó nắm giữ quyền lực tuyệt đối; có khả năng chi phối, dẫn dắt, thao túng để lũng đoạn, lừa đảo trục lợi. Mặt khác, với “vòng tròn gia tộc” ấy, những tưởng không thể có kẽ hở nhằm tiến hành những hoạt động phi pháp, qua mặt cơ quan chức năng.
Những đối tượng phạm pháp cùng chung một lợi ích, thống nhất trong hành động, được cho là “kín như bưng” khi bắt tay, mua chuộc, hối lộ, khống chế nhóm lợi ích có quyền lực thoái hóa biến chất; tạo ra “vành đai sắt” vòng trong - vòng ngoài vô cùng nguy hại.
Nhưng, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, sự cấu kết ghê gớm tưởng như có thể xóa sạch bất cứ dấu vết nào rồi cũng bị phơi bày trước thanh thiên bạch nhật.
Qua hàng loạt vụ án suốt thời gian qua cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, càng lúc càng quyết liệt, hiệu quả. Bất kể trong lĩnh vực công hay lĩnh vực tư, bất kể người đó là ai, bất kể sự cấu kết chặt chẽ đến đâu cũng sẽ bị phanh phui, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Đó cũng chính là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống pháp luật. Quyết tâm ấy đã lan tỏa niềm tin, tạo nên sức mạnh toàn xã hội trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực cam go nhưng không bao giờ chùn bước.