Thầy giáo nghỉ việc vì môi trường làm việc ‘dối trá’: Nhiều giáo viên bị tổn thương

Nguyễn Hoài 12/10/2021 11:31

Lá đơn xin nghỉ việc của một thầy giáo dạy môn Tiếng Anh vì lý do môi trường làm việc “phi giáo dục, dối trá” lan truyền trên mạng xã hội ngày hôm qua đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo.

Người viết đơn là ông Lê Trần Ngọc Sơn (50 tuổi), giáo viên môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thanh, tỉnh Đồng Nai.

Người trong cuộc nói gì?

Đơn đề nghị giải quyết thôi việc theo luật định của ông Sơn có viết, ông vào ngành từ năm 1997, hiện là giáo viên tiếng Anh của nhà trường. Nay ông đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết cho thầy thôi việc từ ngày 1/11/2021 theo chế độ thôi việc hiện hành.

Lá đơn gây xôn xao trên mạng xã hội.

Đáng chú ý là lý do xin nghỉ việc viết trong đơn là: “Công tác trong một cơ sở giáo dục, nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá. Tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”. Lá đơn ký ngày 6/10/2021.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi Nguyễn Thành Tùng cũng đã ký và có bút phê ở phần cuối lá đơn.

Theo đó, vị hiệu trường này viết: “Qua xem xét đơn của ông Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên trường tiểu học An Lợi, nhà trường chấp thuận cho ông Sơn nghỉ việc theo nguyện vọng. Kế toán liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết chế độ chính sách cho ông Sơn. Phần ý kiến này của hiệu trưởng được ghi vào ngày 10/10/2021, có đóng dấu mộc tròn của nhà trường.

Sau khi nộp đơn đề nghị giải quyết thôi việc, trong ngày 11/10, ông Sơn đã đăng trên trang facebook các nhân của mình: Ảnh chụp tờ đơn này kèm dòng tâm trạng: “Hết nghiệp. Cám cảnh trước vấn nạn dối trá, phi giáo dục trong môi trường giáo dục, thôi thì “ta dại ta tìm nơi váng vẻ…” từ quan về lại cuộc sống nhân văn chốn ruộng đồng…

Nội dung ông Sơn đã đăng trên trang facebook các nhân.

Status này của ông Sơn ngay sau khi đăng tải đã có hơn 2,1 nghìn lượt like, gần 600 lời bình luận trái chiều và hơn 1,1 nghìn lượt chia sẻ.

Trả lời báo chí chiều 11/10, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi Nguyễn Thanh Tùng đã xác nhận sự việc nêu trên. Theo ông Tùng, ngày 10/10, nhà trường họp các ban ngành chức năng của trường, đơn của thầy Sơn đã được đưa ra xem xét. Trường đã liên hệ với phòng GDĐT huyện, thanh tra đồng ý cho hiệu trưởng ký, đồng ý cho nghỉ việc để hưởng trợ cấp thôi việc 1 lần.

Cùng ngày, lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Long Thành cũng cho biết, đã nắm được tình hình vụ việc của ông Sơn. Theo quan điểm của Phòng GDĐT huyện Long Thành, giáo viên xin nghỉ việc với lý do nêu trên là không phù hợp. Còn hiệu trường ký vào đơn cũng không đúng quy trình.

Nhiều giáo viên bất bình

Ngay sau khi lá đơn xin nghỉ việc của ông Sơn lan truyền trên mạng xã hội, nhiều giáo viên nêu quan điểm, họ cảm thấy bị tổn thương với lý do vị giáo viên này nêu ra trong đơn.

Một số ý kiến cho rằng, dù sự thật đằng sau lá đơn này có như thế nào đi chăng nữa thì việc một người công tác lâu năm trong ngành giáo dục hơn 20 năm dùng những lời lẽ như vậy để nói về môi trường sư phạm của mình là rất phản cảm.

Thầy giáo Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, sự thật như thế nào chưa rõ nhưng nếu một người thầy đi dạy hơn 20 năm mà sử dụng những từ ngữ như vậy để nói về ngành giáo dục là không được.

Hơn nữa, việc hiệu trưởng bút phê vào trong đơn dù thẩm quyền không sai nhưng chấp nhận nội dung lá đơn đó thì vô tình đã thừa nhận “vấn nạn dối trá” mà người viết đơn giăng ra.

Nhiều giáo viên nêu quan điểm, chính quyền địa phương cần làm rõ và xử lý nghiêm nếu có sai sót hay vi phạm pháp luật trong sự việc này.

Đồng quan điểm với thầy Tuấn Anh, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nhìn nhận: “Tôi là người cùng ngành nhưng không phải là người trong cuộc để hiểu rõ nguyên nhân và bản chất của sự việc. Nhưng chỉ qua việc đọc cái đơn đó theo báo chí phản ánh, tôi thấy chưa ổn”.

Theo thầy Hiếu, việc phản biện giáo dục là chuyện bình thường và cần thiết để giúp nghề, giúp ngành ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trong cách dùng từ "tởm nhất" thì đó là một sự xúc phạm với nhiều đồng nghiệp và ngành giáo dục và là cách nói cực đoan.

Thầy Hiếu cho rằng, ngành nào cũng còn nhiều cái tồn tại, bất cập cần từng bước sửa đổi. Ngành giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Không còn yêu nghề thì người giáo viên đó có thể viết đơn ra khỏi ngành và luật pháp không cấm điều này. Không nên vì những bất cập hay tiêu cực trong cơ quan của mình mà phủ nhận sạch trơn tập thể nơi mình công tác và ngành giáo.

Về phía nhà trường, hiệu trưởng và ban giám hiệu của trường cũng cần nghiêm túc xem lại cách quản lý, điều hành nhà trường nhiều năm qua. Nếu có nhưng sai sót hay vi phạm pháp luật như nội dung lá đơn nêu thì chính quyền địa phương cần phải nghiêm khắc xử lý.

Trao đổi với phóng viên, LS Lê Lưu Phú, Phó Giám đốc Công ty Luật Gia Nguyễn và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, trong môi trường sư phạm, nếu thầy giáo viết đơn với lý do xin nghỉ việc là “không phù hợp với môi trường làm việc tại cơ sở giáo dục” thì sẽ hợp lý hơn và không gây xôn xao dư luận. Đồng thời, lý do thầy giáo này viết trong đơn phải xem xét lại thật nghiêm túc, thấu đáo.

Theo khoản 3 điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, viên chức phải thông báo trước bằng văn bản với nhà trường từ 3 đến 30 ngày. Sau khi nhận đơn, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ở đây là hiệu trưởng phải cho ý kiến về vấn đề này. Trong đơn thì hiệu trưởng đồng ý và đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết cho thầy giáo thôi việc. Cấp có thẩm quyền ở đây là phòng GDĐT cấp quận huyện (bậc tiểu học, THCS do phòng GDDT cấp quận/huyện quản lý – LS Phú).

Tuy nhiên, LS Phú nhấn mạnh: “Phòng GDĐT và chính quyền địa phương cần vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc này để tránh gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới uy tín ngành giáo dục”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầy giáo nghỉ việc vì môi trường làm việc ‘dối trá’: Nhiều giáo viên bị tổn thương