Một trong những hủ tục ở Đắk Glêi (Kon Tum) là tục sinh đôi giết một. Trước đấy, nếu trong buôn làng có sản phụ sinh đôi thì người mẹ phải tự mình bỏ một trong hai người con vừa được mình mang nặng đẻ đau sinh ra. Giờ đây, những người trẻ ở đây đã nghĩ khác, đã thay đổi.
Cầu đường kiên cố đã nối liền các xã với nhau, nhà xây mọc san sát.
Sinh ra từ thuở chỉ có đất và rừng nên tất cả đều được rừng bao bọc. Nếu không được sinh ra trong rừng thì cũng giống như cái cây không được gặp ánh nắng mặt trời mà thôi, yếu ớt lắm. Không đủ sức mà lên rẫy, mà làm lụng những công việc nặng nhọc được đâu. Vậy nên phải vào rừng sinh con. Nếu sinh đôi thì một đứa trẻ phải chết để cúng Yàng (trời), ăn thì nên ăn đồ sống… Những hủ tục hiện hữu trong nhiều buôn làng ở Đắk Glêi (Kon Tum) này đã dần trôi vào dĩ vãng, thay vào đó là những suy nghĩ mới đến từ những người trẻ hôm nay.
Hủ tục đang lùi xa
Người Tà Rẻ là một nhánh của người Xê Đăng sống quần cư dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ thuộc huyện Đắk Glei (Kon Tum). Trong tâm thức của lớp trẻ thì đã nhen nhóm nhiều sự biến chuyển trong nhận thức và các phong tục sinh hoạt hàng ngày. Anh Y Hoát ở xã Đắk Nhoong kể, mình được giao lưu với các xã khác, được các cán bộ biên phòng giải thích về các hủ tục trong đó hủ tục sinh đôi thì giết một hay bỏ mặc phụ nữ khi trở dạ vào rừng sinh con.
Có lẽ ám ảnh nhất đối với chúng tôi là tục sinh đôi giết một. Trước đấy, nếu trong buôn làng có sản phụ sinh đôi thì người mẹ phải tự mình bỏ một trong hai người con vừa được mình mang nặng đẻ đau sinh ra. Hủ tục này được người Tà Rẻ gọi là “trả lại cho Giàng một đứa”. Đứa trẻ xấu số được người mẹ bỏ đói trong rừng, trên rẫy cho đến chết.
Trước khi đem con đi bỏ, người mẹ sẽ cho đứa trẻ bú thật no, cuốn nhiều tã lót cho ấm cùng những lời thì thầm cầu nguyện cho đứa con của mình về bên kia sẽ được Giàng che chở. Hành động này được buôn làng khích lệ và cho rằng đứa trẻ đó ra đi mang theo tất cả mọi điều không may mắn.
Chỉ cách đây 10 năm thôi thì dường như rất hiếm có các trường hợp sinh nở tìm đến các y sĩ hay trạm y tế mà họ lặng lẽ đưa nhau vào rừng. Khi trong bụng những người phụ nữ có dấu hiệu đau râm ran người chồng sẽ đốt một đống lửa, nhắm nghiền mắt hướng về phía cánh rừng mà anh ta sẽ tới, cứ lặng im như thế hàng giờ đồng hồ rồi đưa vợ lên rừng và để ở đó cho tự sinh hạ. Nhiều đứa trẻ cảm phong, trúng gió, chết tức tưởi…
Giờ thì khác rồi, cứ trở dạ là mang ngay đến trạm y tế xã thôi. Chị Y Toan chia sẻ: Nghe các cán bộ nói mãi với lại chồng đang bị bệnh nên mới ra trạm y tế đẻ thôi, vẫn thích đẻ trong rừng hơn. Vì đó là tục lệ đã có từ lâu lắm rồi mà. Nhưng mà sinh ở trạm y tế được cho thêm sữa nữa về uống. Ban đầu lạ lắm, uống không vô nhưng rồi cũng quen.
Rồi hủ tục “thầy cúng đuổi bệnh” cũng dần lùi xa khỏi thế hệ mới của người Tà Rẻ. Hủ tục này in đậm nhất ở xã Xốp, xã Đắk Nhoong. Ông Võ Công Định - Trạm trưởng Trạm y tế xã Đắk Nhoong cho biết: Hơn 10 năm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số Tà Rẻ, Xê Đăng tôi đã thuộc từng đường buôn, từng nóc bởi không chỉ làm việc tại trạm, anh cùng các y bác sĩ của trạm còn phải đến tận các buôn để khám bệnh, tuyên truyền cho bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng tránh các bệnh thường gặp, cách chăm sóc trẻ em.
Đặc biệt, hàng tháng trạm đều có lịch đi tiêm chủng ở các buôn xa. Chính vậy nên nhận thức trong những thế hệ trẻ nơi đây đã thay đổi đáng kể. Ở Đắc Nhoong hay xã Xốp bây giờ không còn trường hợp nào sinh đẻ tại nhà, trong rừng, không còn phong tục sinh xong, chờ nhau bong ra mới cắt rốn và ủ ấm cho trẻ sơ sinh nữa. 80% trẻ được tiêm đúng lịch, đúng liều…
Chăm chỉ để thoát nghèo
Điều khá đặc biệt in sâu trong tâm thức của những người dân tộc thiểu số trong các buôn làng ở Đắk Glêi là họ rất thành kính với rừng. Muốn được vài cây gỗ tạp để cất nhà phải xin mãi mới được. Các buổi hành lễ xin gỗ phải diễn ra trang nghiêm trước hàng trăm người của buôn làng Tà Rẻ. Những kẻ xấu sẽ không được vào rừng lấy gỗ, như thế là sẽ khiến cho cây rừng không tốt tươi lên được. Thể hiện tình cảm và niềm tin với những cánh rừng, người Tà Rẻ lâu lâu lại vào ngủ trong rừng vài đêm.
Những người Tà Rẻ cũng đã thích ở nhà xây kiên cố bằng gạch giống người Kinh. Ông Đinh Rươn, một người có vốn hiểu biết khá nhất ở xã Xốp bộc bạch: “Cái bụng người Tà Rẻ giờ sáng dần ra rồi, xây nhà gạch ở thích hơn nhà gỗ. Với ánh sáng của nền văn minh này, chẳng mấy chốc các buôn làng người Tà Rẻ lại khang trang như dưới xuôi thôi”.
Cũng theo ông Rươn, giờ nhiều buôn làng người Tà Rẻ rành làm lúa nước nữa rồi. Ngoài ra, ở nhiều buôn làng, người Tà Rẻ đã phát triển các cây công nghiệp như càphê, bời lời. Công tác chăm sóc sức khỏe, sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển. Các công trình hạ tầng cơ sở cầu, đường giao thông, điện, thủy lợi được quan tâm đầu tư, trường, trạm khang trang nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư xây dựng của địa phương.
Riêng ở xã Xốp, hiện có 435 hộ với 1.585 nhân khẩu. Người dân đang canh tác 252 ha cây lương thực, trong đó cây lúa ruộng 130 ha, cây ngô trên 40 ha, cây mì khoảng 50 ha; cây cà phê trên 100 ha, cây bời lời 176 ha. Ngoài một số cây trồng chính nêu trên, bà con còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập cho gia đình; trong đó đàn trâu có 254 con, đàn bò 449 con, đàn heo 744 con, đàn gia cầm 1.827 con.
Nhìn chung, đời sống của người dân hiện nay đã được nâng cao mấy năm trước rất nhiều, số hộ nghèo tính đến đầu năm 2014 giảm còn 208 hộ. Hàng loạt căn nhà xây kiên cố đã mọc lên.
Ở xã Đắk Nhoong, Đồn biên phòng 669 đã xây dựng 5 trường học với diện tích gần 1.000 m2; xây dựng 5 công trình nước sạch bảo đảm cho 150 nhân khẩu sử dụng; cải tạo hơn 15km đường liên thôn và hỗ trợ công sức, vật liệu làm nhà cho 307 hộ ổn định cuộc sống; củng cố hàng chục ki-lô-mét kênh mương thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho hơn 50ha lúa nước; hỗ trợ cây, con giống cho nhân dân phát triển kinh tế, tham gia trồng mới và bảo vệ hơn 1.970ha rừng.
Các xã khác cũng đã có những phát triển mạnh mẽ, những hủ tục rợn người cũng chỉ còn trong kí ức và chuyện kể của những người già. Ánh sáng mới và những căn nhà mới, cuộc sống mới đang nhen lên mạnh mẽ trong từng buôn làng ở Đắk Glêi.