Một báo cáo mới được một tổ chức nghiên cứu hòa bình quốc tế công bố hôm 17/6 cho hay, tổng số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới đã giảm trong năm 2018, nhưng lại có thêm nhiều quốc gia đang ra sức hiện đại hóa vũ khí của họ.
Nhiều nước đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. (Nguồn: AP).
Nhiều nước hiện đại hóa vũ khí hạt nhân
Vào khoảng thời gian đầu năm 2019, các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên ước tính sở hữu tổng số 13.865 vũ khí hạt nhân – theo ước tính mà Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển công bố trong báo cáo mới.
Con số trên cho thấy số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã giảm được 600 nếu so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, báo cáo cho hay, cùng thời điểm này, tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới lại ra sức hiện đại hóa kho vũ khí của họ; trong đó các nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan thậm chí còn tăng số lượng vũ khí hạt nhân.
“Thế giới đang chứng kiến số lượng vũ khí hạt nhân giảm dần, tuy nhiên số vũ khí mới lại đang tăng lên” – ông Shannon Kile, Giám đốc Chương trình Kiểm soát vũ khí hạt nhân của SIPRI và là một trong những tác giả của bản báo cáo mới, nói với AFP.
Mức giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây được cho là xuất phát từ phía Mỹ và Nga – cả hai quốc gia có số lượng vũ khí hạt nhân chiếm tới 90% tổng lượng vũ khí hạt nhân của toàn thế giới.
Số lượng vũ khí hạt nhân giảm một phần cũng là nhờ nhiều quốc gia đang thực thi cam kết của họ theo Hiệp ước New START – một thỏa thuận quốc tế hạn chế số lượng đầu đạn được triển khai và được ký kết bởi Mỹ và Nga trong năm 2010 – cũng như việc các nước tiêu hủy dần các đầu đạn hạt nhân cũ kỹ từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hiệp ước START tuy nhiên sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, và ông Kile cho rằng đây là sự việc đáng lo ngại bởi hiện tại các nước không tổ chức bất cứ cuộc thảo luận nào về việc gia hạn Hiệp ước quan trọng này.
Trong năm tới, Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) – được xem là cột mốc quan trọng đối với trật tự hạt nhân của thế giới – sẽ đánh dấu 50 năm đi vào hiệu lực. Số lượng vũ khí hạt nhân đã giảm mạnh kể từ sau thời kỳ đỉnh điểm vào khoảng những năm 1980, khi mà 70.000 đầu đạn hạt nhân nằm rải rác ở nhiều nước trên thế giới.
Các học thuyết dần thay đổi
Ông Shannon Kile cho rằng tiến trình giảm lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới là điều rất đáng chú ý, tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng đang có một số xu hướng đáng lo ngại xuất hiện, ví dụ như việc Ấn Độ và Pakistan ra sức chế tạo thêm vũ khí hạt nhân trong bối cảnh hai nước đang căng thẳng. Ngoài ra, rủi ro xảy ra chiến sự ở một số điểm nóng trên thế giới cũng có thể khiến một số quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, cũng có một xu hướng đáng ngại mà trong đó các nước tăng cường vai trò của vũ khí hạt nhân trong sức mạnh quân sự của họ điển hình là Mỹ. Mới đây, nước này đã thay đổi các học thuyết chiến lược, trong đó mở rộng vai trò của vũ khí hạt nhân đối với cả các chiến dịch quân sự và các cuộc đối thoại về an ninh quốc phòng.
“Tôi nghĩ rằng xu hướng này đang xê dịch từ thời điểm 5 năm trước, lúc mà các vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đang bị tiêu hủy” – ông Kile nhận định.
Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon mới đây cũng kêu gọi các cường quốc hạt nhân trên thế giới “nghiêm túc hơn” về vấn đề giải giáp và cảnh báo “rủi ro lớn” các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ trang quốc tế sẽ sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các nỗ lực hướng tới giải giáp vũ khí hạt nhân toàn cầu cũng chịu tổn thất lớn sau khi Mỹ tuyên bố hồi tháng 2 năm nay rằng họ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), buộc Nga phải ra tuyên bố sẽ tạm ngừng thực thi các cam kết trong Hiệp ước này.