Năm 2020 đã khép lại, nhưng những gì thế giới đã phải trải qua là vô cùng ghê gớm. Đó là một năm dữ dội trong lịch sử nhân loại, mà nguyên nhân chính là từ đại dịch Covid-19. Nó lấy đi cuộc sống của những em bé, những cụ già và cả chính khách.
Covid-19 cũng đã đẩy kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng, sự sụt giảm lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thư hai (kết thúc vào năm 1945). Đại dịch Covid-19 đã tạo ra thảm họa kép: Thảm họa y tế và thảm họa kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Nhưng, không chỉ có thế, năm 2020 thế giới vẫn có nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận.
1.Iran và cái chết của hai nhân vật quan trọng
Ngay trong những ngày đầu năm 2020, “chảo lửa Trung Đông” đã nóng lên vì cái chết của tướng Iran Quasem Soleimani, do bị tên lửa Mỹ bắn trúng, vào ngày 2/1. Ngày 3/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng tướng Iran Qasem Soleimani “đáng ra phải bị giết từ lâu rồi”.
Theo ông Trump, tướng Soleimani “phải chịu trách nhiệm trong các vụ giết và làm bị thương hàng nghìn người Mỹ”. Ông Soleimani là Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran. Ngay lập tức, làn sóng giận dữ bùng lên ở Iran. Lãnh đạo Iran lên án hành động của Hoa Kỳ và nói sẽ báo thù cho ông Soleimani.
Đến cuối năm, ngày 27/11, nhà khoa học hạt nhân Iran, ông Fakhrizadeh, bị sát hại bởi một khẩu súng máy điều khiển từ xa trên một chiếc ôtô. Lúc đó, ông Fakhrizadeh đang cùng vợ trên một chiếc xe chống đạn cùng với 3 chiếc xe của nhân viên an ninh, thì bất thình lình nghe thấy âm thanh như đạn bắn vào một chiếc xe và ông Fakhrizadeh rời khỏi xe để xác định nguyên nhân sự việc. 3 viên đạn đã găm vào người ông Fakhrizadeh.
Cái chết của hai nhân vật quan trọng của Iran đã khiến tình hình Trung Đông thêm căng thẳng, cho dù cũng đã có những bước đi “xích lại gần nhau hơn” giữa Iran - Mỹ - Israel.
2.Châu Âu lo ngại làn sóng khủng bố mới
Trong khi phải gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, thì châu Âu cũng lại phải đối mặt với nạn khủng bố. Trung tuần tháng 10, tại Paris (Pháp), thầy giáo Samuel Paty bị những kẻ khủng bố chặt đầu. Vài ngày sau, bên ngoài một nhà thờ tại thành phố Nice, vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng. Còn tại
Thủ đô Vienna (Áo), ngày 2/11 đã rung chuyển vì một loạt vụ xả súng do nhiều đối tượng thực hiện ở ít nhất 6 địa điểm khác nhau, khiến 2 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ việc này. Những vụ tấn công xảy ra mang tới sự hoang mang trong dân chúng bất chấp dịch Covid-19 bùng phát.
Đáng chú ý, nhà chức trách cho rằng những vụ tấn công khủng bố đều do “những con sói đơn độc” thực hiện. Chúng là cá nhân riêng lẻ, ẩn khuất trong xã hội nên rất khó phát hiện, ngăn chặn.
3.Ông Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ
Ngày 3/11, cử tri nước Mỹ chính thức đi bầu Tổng thống. Trên đường đua vào Nhà Trắng là đương kim Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa) và cựu Phó Tổng thống Joe Biden (đảng Dân chủ). Kết quả sơ bộ ngày 7/11 cho thấy ông Biden đã vượt lên trong cuộc đua. Tuy nhiên, ông Trump không công nhận chiến thắng của ông Biden, cuộc chiến pháp lý được khởi động.
Nhưng đến ngày 15/12, Đại cử tri đoàn đã chính thức xác nhận ông Joe Biden (78 tuổi) là Tổng thống đắc cử Mỹ. Vào ngày 6/1/2021, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ kiểm đếm chính thức số phiếu đại cử tri. Nếu không có gì thay đổi, ông Joe Biden sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống nước Mỹ vào ngày 20/1/2021.
Trong khi đó, ứng cử viên liên danh Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã được bầu làm Phó Tổng thống đắc cử Mỹ. Bà Kamala (56 tuổi) đã là người phụ nữ đầu tiên, cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Cuộc bầu cử lần này được cho là kịch tính nhất trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ.
4.Ông Guga Yoshihide trở thành Thủ tướng Nhật Bản
Ngày 14/9, đã diễn ra cuộc bầu cử chọn ra Chủ tịch đảng Tự do Dân chủ (LDP) đồng nghĩa với việc sẽ là Thủ tướng Nhật Bản thay thế cho ông Abe từ chức vì lý do sức khỏe đã diễn ra, ứng cử viên Suga Yoshihide - Chánh văn phòng Nội các đã được bầu làm Chủ tịch Đảng. Ngày 16/9, tại cuộc họp bất thường, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn chính thức ông Suga trở thành Thủ tướng nước này.
Ông Suga lên nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản trong tình thế rất khó khăn do ảnh hưởng xấu của Covid-19. Nền kinh tế thứ 3 thế giới đã phải chịu áp lực rất nặng nề. Ông Suga cho biết, sẽ kế thừa di sản cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại mà Thủ tướng Abe đã thực hiện trong thời gian tại nhiệm. Và như thế, ông Suga cũng sẽ phải “kế thừa” một cách bất đắc dĩ họa Covid-19, khiến kinh tế nước này lao đao.
Ngày 14/12, nước Nhật chính thức hủy Lễ hội tuyết Sapporo hằng năm - một trong những sự kiện mùa Đông lớn nhất của nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1950, sự kiện này bị hủy bỏ. Cũng trong ngày 14/12, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết Chính phủ nước này sẽ tạm dừng chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc trong bối cảnh Covid-19 gia tăng.
Như vậy cũng có nghĩa là mỗi người dân đi du lịch trong nước sẽ không nhận được trợ cấp 20.000 yen (185 USD)/ngày, trong gói hỗ trợ khẩn cấp lên đến 1.350 tỷ yen (12,59 tỷ USD) của Chính phủ cho chương trình này.
5.Người đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine ngừa Covid-19
Ngày 8/12, Anh là quốc gia đầu tiên tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19, vaccine do hãng Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Đây được coi là bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Và, vào lúc 6 giờ 31 sáng cùng ngày (giờ địa phương), cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi) đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Trong năm 2020, thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19, thì cũng là năm người ta chứng kiến cuộc chạy đua “có một không hai” về điều chế và phân phối vaccine. Thông thường, một vaccine được xác nhận và đưa vào sản xuất đại trà phải mất từ 6 đến 10 năm. Nhưng lần này, người ta đã sản xuất ra chúng chỉ với 10 tháng. Cuộc chiến chống Covid-19 đã xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm.
Tuy nhiên, cũng chính vào lúc hy vọng dấy lên thì cũng lại xuất hiện những ngờ vực về tác dụng phụ của loại vaccine được tiêm cho dù hãng bào chế lập tức lên tiếng trấn an. Đáng chú ý, ngày 14/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là có thể liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh: Chúng phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây. Như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 lại gặp khúc quanh mới, được coi là vẫn sẽ rất khó khăn trong năm 2021.
6.Covid-19 không chừa một ai
Ngày từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đe dọa toàn cầu. Hai quốc gia châu Á đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ buộc phải lập tức áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, dập dịch một cách rất quyết liệt ngay từ đầu (tháng 1/2020).
Châu Âu và Mỹ được coi là “có phần chủ quan” khi mà giai đoạn 1 của dịch đã không áp dụng những biện pháp cần thiết. Tại châu Âu, đợt dịch thứ nhất tấn công vào các trại dưỡng lão và người già nói chung. Tới giai đoạn 2 và 3, nó lại nhắm tới người trẻ.
Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh… những nước giàu có và vốn rất tự hào về hệ thống y tế thì hệ thống này cũng bị virus SARS-CoV-2 xuyên thủng. Vào những tháng cuối năm 2020, châu Âu căng thẳng vì dịch, người ta cho rằng mùa Đông năm nay là mùa Đông “lạnh lẽo” bậc nhất khi mà lệnh phong tỏa diễn ra trên diện rộng.
Tại châu Mỹ, dịch bệnh cũng rất khủng khiếp. Nước Mỹ liên tục trong nhiều tháng “dẫn đầu thế giới” về số người mắc và số ca tử vong do Covid-19. Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng bị mắc. Tại Brazil, không chỉ ở những khu ổ chuột mà cả ở những khu phố giàu có của Thủ đô Brasillia, hay là thành phố hội hè Rio de Janeiro thì “người giàu cũng khóc”.
Thật đáng lo ngại khi mà Thủ tướng Eswatini, ông Mandulo Ambrose Dlamini, đã trở thành nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới tử vong vì Covid-19. Ông Dlamini (52 tuổi) qua đời 4 tuần sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19, ngày 13/12/2020.
Như vậy là mặc dù đã có một số nhà lãnh đạo thế giới bị nhiễm Covid-19 (Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro), song đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo quốc gia tử vong sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
7.Cuối cùng Brexit cũng xong
Ngày 28/11, nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) tái khởi động đàm phán trực tiếp về thỏa thuận thương mại trong những nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận khi mà chỉ còn 5 tuần trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc (ngày 31/12/2020). Tuy nhiên, không chỉ đến giai đoạn cuối, mà trước đó hơn hai năm, cuộc “li hôn Anh - EU” đã rất phức tạp.
Trong quá trình hợp tác giữa nước Anh “và phần còn lại của châu Âu”, không có vấn đề nào lại phức tạp như Brexit. Trên thực tế, Brexit không chỉ ảnh hưởng đối với châu Âu mà còn rộng hơn nhiều. Vì rằng nước Anh nói riêng và EU nói chung có vai trò lớn trên thế giới, không chỉ về kinh tế mà còn cả các yếu tố khác. Anh - EU căng thẳng khiến cả thế giới dõi theo với thái độ thận trọng. Ngay cả Hoa Kỳ dưới “triều đại một Tổng thống đầy cá tính” như ông Donald Trump thì cũng không biết phải ngả theo Anh hay những nước khác trong EU.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi EU sớm đạt được thỏa thuận chung hậu Brexit. Rằng Anh và EU có thể đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit hay không là tùy thuộc vào phía EU, và kêu gọi EU hãy dựa trên nhận thức chung để đưa ra cho phía Anh một thỏa thuận tương tự thỏa thuận mà EU đã từng đạt được với Canada. Ông Johnson cũng không quên đặt câu hỏi “tại sao EU lại không thể đưa ra cho Anh một thỏa thuận như vậy, khi Anh rất gần với EU và là thành viên của khối này trong 45 năm”.
8.Thương chiến Mỹ - Trung lắng xuống do Covid-19
Những dự đoán cho rằng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ căng thẳng và kịch tính hơn vào năm 2020, đã không thành sự thật. Mà thực tế thì năm 2020 cả hai phía đều “ngưng chiến” khi mà đại dịch Covid-19 hết sức căng thẳng, hầu hết các nền kinh tế đều lâm nguy, kinh tế toàn cầu về ngưỡng tăng trưởng âm.
Cuộc chiến tranh thương mại này khởi đầu vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ đô la Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc, để ngăn chặn những gì được cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng nhiều cách, theo lối “ăn miếng trả miếng”.
Càng ngày, căng thẳng kinh tế giữa hai bên càng leo thang, đặc biệt nặng nề trong năm 2019, bất chấp nhiều cuộc đàm phán diễn ra.
Điều đáng nói là chính cuộc chiến thương mại này đã làm khó cho chính cả Mỹ lẫn Trung Quốc, đồng thời khiến xuất - nhập khẩu toàn cầu khó khăn, do chính sách bảo hộ gia tăng. Nhưng rồi Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, “ai cũng lo giữ thân” - giới quan sát nêu nhận xét và cho rằng năm 2021 cuộc thương chiến này rất có thể còn trở nên “yên ả” hơn.
9.Tìm đến vàng như “vịnh tránh bão”
Năm 2020, khi mà kinh tế thế giới chao đảo, hàng hóa rớt giá thì vàng lại nổi lên như một “chấn động”. Kể cả giới tài phiệt ngân hàng, chứng khoán lẫn các ông vua dầu mỏ cũng không lường trước được tình huống này.
Kể từ tháng 3/2020, khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên diện rộng thì vàng cũng vào cuộc đua tăng giá. Chốt phiên giao dịch cuối mỗi ngày, người ta lại “phát hoảng” vì giá vàng, trong khi hầu hết bảng chỉ số của các thị trường chứng khoán hàng đầu đều đỏ rực.
Các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, giới đầu tư đã chậm chân khi không sớm nhận ra rằng trong lúc khủng hoảng kinh tế thì vàng được coi là “vịnh tránh bão” do người ta mua vào để đề phòng diễn biến xấu. Tới trung tuần tháng 7/2020, ngươi ta đua nhau vào cuộc mua - bán vàng, khiến thị trường này rung lắc dữ dội. Ngay đến những nhà phân tích tài chính tài ba nhất cũng không thể nói chắc ngày hôm sau giá vàng lên hay xuống.
Cho đến tháng cuối năm, khi một số loại vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép và những người đầu tiên được tiêm thì giá vàng bắt đầu hạ nhiệt. Nhưng một lần nữa sự bất ngờ lại xuất hiện khi mà sự “rung lắc” vẫn tiếp tục, lên xuống thất thường. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy kênh đầu tư quan trọng này vẫn khó có thể thăng bằng trong ít nhất là ở quý đầu của năm 2021.
10.Thế giới thiệt hại 187 tỷ USD do thảm họa trong năm 2020
Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) cho biết thảm họa tự nhiên và do con người gây ra từ đầu năm 2020 ước tính gây thiệt hại 187 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2019.