Quốc tế

Thế giới sẽ có tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trong vòng 10 năm tới

Mai Phương (theo AP) 18/01/2024 15:15

Trong đánh giá hàng năm về bất bình đẳng toàn cầu, Tổ chức chống nghèo đói quốc tế Oxfam International cho biết, thế giới có thể có tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trong vòng một thập kỷ tới.

Oxfam – tổ chức trong nhiều năm đã cố gắng làm nổi bật sự chênh lệch ngày càng tăng giữa giới siêu giàu và phần lớn dân số toàn cầu trong các cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)- cho rằng, khoảng cách đã “tăng thêm” kể từ đại dịch Covid-19.

untitled-8.jpg
CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk. Nguồn: AP.

Tổ chức này cho biết, tài sản của 5 người giàu nhất (gồm: CEO Tesla Elon Musk, Bernard Arnault và gia đình ông tại công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH; người sáng lập Amazon Jeff Bezos; người sáng lập Oracle Larry Ellison và chuyên gia đầu tư Warren Buffett) đã tăng vọt 114% tính theo giá trị thực kể từ năm 2020, khi thế giới đang quay cuồng vì đại dịch.

Giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam Amitabh Behar cho biết, báo cáo cho thấy thế giới đang bước vào “thập kỷ chia rẽ”. “Chúng ta có 5 tỷ phú hàng đầu, họ đã tăng gấp đôi tài sản của mình. Mặt khác, gần 5 tỷ người đã trở nên nghèo hơn”, ông Amitabh Behar cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Davos, Thụy Sĩ, nơi diễn ra cuộc họp thường niên của WEF vào tuần này.

untitled-6.jpg
Người sáng lập Tập đoàn Amazon, tỷ phú Jeff Bezos. Nguồn: AP.

“Rất sớm thôi, theo dự đoán của Oxfam, chúng ta sẽ có một tỷ phú nghìn tỷ trong vòng một thập kỷ”, ông Behar nói và nhấn mạnh, để chống lại nghèo đói, chúng ta cần tới hơn 200 năm.

Nếu ai đó đạt được cột mốc nghìn tỷ đô la đó, thậm chí có thể là người không có tên trong danh sách người giàu nhất hiện nay, thì người đó sẽ có giá trị tài sản tương đương với quốc gia giàu dầu mỏ Saudi Arabia.

Ông John D. Rockefeller của Standard Oil nổi tiếng được nhiều người coi là đã trở thành tỷ phú đầu tiên trên thế giới vào năm 1916.

Hiện tại, ông Elon Musk là người giàu nhất hành tinh với tài sản cá nhân gần 250 tỷ USD, theo Oxfam, sử dụng số liệu từ Forbes.

Ngược lại, tổ chức này cho biết, gần 5 tỷ người đã trở nên nghèo hơn kể từ đại dịch Covid-19, trong đó nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới không thể cung cấp hỗ trợ tài chính như các quốc gia giàu có hơn trong thời gian phong tỏa.

Ngoài ra, Oxfam cho biết, xung đột ở Ukraine khiến chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt, đã ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia nghèo nhất.

untitled-7.jpg
Tỷ phú Bernard Arnault của LVMH. Nguồn: AP.

Ông Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng của Oxfam, cho biết, việc Brazil đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay (gồm các quốc gia công nghiệp và đang phát triển hàng đầu) thì đây là “thời điểm tốt để Oxfam nâng cao nhận thức” về bất bình đẳng.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đặt các vấn đề liên quan đến thế giới đang phát triển vào trọng tâm chương trình nghị sự của G20.

Oxfam cho biết, các biện pháp cần được xem xét trong chương trình nghị sự “xóa bỏ bất bình đẳng” bao gồm đánh thuế thường xuyên đối với những người giàu nhất ở mọi quốc gia, đánh thuế hiệu quả hơn đối với các tập đoàn lớn và nỗ lực chống trốn thuế mới.

Để tính toán top 5 tỷ phú giàu nhất, Oxfam đã sử dụng số liệu từ Forbes tính đến tháng 11/2023. Tổng tài sản của họ khi đó là 869 tỷ USD, tăng từ 340 tỷ USD vào tháng 3/2020, mức tăng danh nghĩa là 155%.

Đối với 60% dân số toàn cầu có thu nhập thấp nhất, Oxfam đã sử dụng số liệu từ Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2023 của UBS và từ Sách dữ liệu Tài sản Toàn cầu của Credit Suisse 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới sẽ có tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trong vòng 10 năm tới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO