Thế giới tìm cách chặn nạn đói

Thanh Đức 08/11/2021 06:00

Ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho biết sẽ sẵn sàng gặp tỉ phú Elon Musk “bất kỳ là trên Trái đất hoặc trong không gian” để tìm kiếm một giải pháp giải quyết nạn đói toàn cầu. Theo ông Beasley, cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ sẽ tốt hơn là nói chuyện qua lại trên mạng xã hội.

Nhắn tới tỉ phú Elon Musk qua Twitter, ông Beasley viết: “Thay vì trả lời cho tôi trên Twitter, chúng ta có thể gặp nhau ở bất cứ đâu, trên Trái đất hoặc trong không gian. Tại buổi làm việc trực tiếp, chúng ta sẽ thảo luận cụ thể đến các nội dung liên quan con người, quy trình của WFP và cả công nghệ. Tôi sẽ mang theo kế hoạch và các tài liệu”.

6 tỉ USD để chặn nạn đói toàn cầu

Động thái này của người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới của LHQ là đáp lại lời đề nghị của ông Elon Musk về việc tỉ phú này sẽ bán cổ phiếu của Telsa và đưa tiền cho WFP, nếu tổ chức này có thể hiển thị trên Twitter chính xác cách sử dụng 6 tỉ USD để giải quyết nạn đói toàn cầu - theo hãng tin Bloomberg.

Tỉ phú Elon Musk cũng kêu gọi WFP công khai việc hạch toán để công chúng có thể thấy “chính xác dòng tiền đi đâu”.

Trước đó, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của LHQ cho rằng khoản quyên góp một lần từ 400 tỉ phú hàng đầu ở Mỹ có thể giúp cứu sống 42 triệu người trong năm 2021. Số tiền đó vào khoảng 6 tỉ USD.

Theo Bloomberg, số tiền 6 tỷ USD chỉ là một phần nhỏ so với giá trị tài sản ròng 311 tỷ USD của Musk và chưa bằng khoản tăng tài sản 9,3 tỷ USD (riêng trong ngày 29/10). Đáng chú ý, Viện Nghiên cứu chính sách và người Mỹ về công bằng thuế cho rằng giá trị tài sản ròng của các tỷ phú Mỹ tăng gần gấp đôi kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi số người “có thể chết đói” lên tới con số 42 triệu trên phạm vi toàn cầu.

Tỉ phú Elon Musk.

Tại thời điểm hiện tại, tỉ phú Elon Musk, “bộ óc” của Công ty Tesla và SpaceX không chỉ là người giàu nhất thế giới, mà còn có số tài sản tương đương với tài sản của 2 tỉ phú Bill Gates và Warren Buffet cộng lại. Theo Bloomberg, tính đến giữa tháng 10/2021, tài sản ròng của tỉ phú 50 tuổi này là 230 tỉ USD. Trong khi đó, tỉ phú Gates đứng ở vị trí thứ 4 với 130 tỉ USD và tỉ phú Buffett ở vị trí thứ 10 với 102 tỉ USD.

Đáng chú ý, trong năm nay, tài sản của ông Musk đã tăng hơn 60 tỉ USD nhờ thành tích tốt của cổ phiếu Công ty xe điện Tesla cũng như thương vụ bán cổ phần gần đây tại Công ty không gian SpaceX đã giúp định giá công ty ở mức 100 tỉ USD.

Tỉ phú Elon Musk từng nói ông thích ẩn danh khi làm từ thiện. Vào đầu năm nay, tỉ phú Musk còn hỏi người dùng Twitter về cách quyên góp tiền. Ông đã cam kết trao tặng 150 triệu USD, bao gồm cả giải thưởng 100 triệu USD trong một cuộc thi loại bỏ carbon, ngay trong năm nay.

Thời điểm thích hợp để “mở hầu bao”

Mới đây, kênh CNBC (Mỹ), dẫn tuyên bố của Tổ chức Oxfarm - liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công, cho biết cứ mỗi phút lại có tới 11 người chết vì đói khát và suy dinh dưỡng, trong bối cảnh tỉ lệ những người phải sống trong các điều kiện đói nghèo tăng vọt kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, ước tính chỉ có khoảng 7 người tử vong/phút vì dịch Covid-19.

“Có tới 155 triệu người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng khủng hoảng do mất an ninh lương thực hoặc tồi tệ hơn, tăng thêm 20 triệu người so với năm ngoái” - Oxfarm cảnh báo cuộc khủng hoảng đói nghèo đang ngày càng trầm trọng đồng thời chỉ ra rằng, sự bùng nổ của Covid-19 và những cú sốc kinh tế do hậu quả của đại dịch, cũng như cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ đang đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói khát.

Trong khi đó, vẫn theo Oxfarm, giá lương thực toàn cầu đã tăng đột biến lên 40%, mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm. Theo bà Abby Maxman - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Oxfarm (Mỹ), giá lương thực tăng cao sẽ càng khiến người nghèo phải đối mặt với nỗi thống khổ.

“Các nhóm yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em gái thường được ăn cuối cùng và ít nhất. Họ phải đối mặt với những lựa chọn bất khả thi, như phải lựa chọn giữa đi chợ và có nguy cơ bị hành hung, hoặc ở nhà chứng kiến gia đình của họ đói khát” - bà Maxman nói.

Chính vì vậy, lời kêu gọi của Chương trình Lương thực LHQ đã nhận được phản ứng tích cực từ nhiều chính phủ. Với giới tỉ phú, trong đó có Elon Musk, nhiều người cho rằng đây chính là lúc thích hợp nhất để họ “mở hầu bao”, khi mà thế giới đang trôi dần về những ngày cuối năm 2021 đầy khó khăn.

Tỉ phú Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi. Ngay từ khi lên 10, Elon đã hứng thú với máy tính và khi chỉ mới 12 tuổi đã bán được mã nguồn của một video game, thu về 500 USD. Elon chỉ học chừng 5 tháng tại Đại học Pretoria, sau đó khi tới Canada thì ghi danh vào Đại học Queen tại Kingston (năm 1989). Tới năm 1992 lại chuyển sang học kinh tế và vật lý tại Đại học Pennsylvania, có bằng cử nhân. Năm 1995, Elon Musk khởi nghiệp với dự án Zip2, cung cấp phần mềm ấn hành nội dung số cho các tổ chức mới; đồng sáng lập X.com - một công ty về dịch vụ tài chính trực tuyến và thanh toán qua email tháng 3 năm 1999. Cùng với xe điện, nổi bật trong sự nghiệp của tỉ phú Elon Musk chính là Công ty SpaceX - công nghệ vũ trụ. Elon Musk tuyên bố muốn thành lập “một thuộc địa của loài người” trên sao Hỏa vào năm 2040, với dân số khoảng 80.000 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới tìm cách chặn nạn đói