Nhận được nhiều kỳ vọng và được “bơm” ngân sách thông qua trợ giá để hoạt động, nhưng sau 18 tháng, công ty vận hành tuyến xe buýt điện D4 ở TPHCM đã bị lỗ tới 28,6 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (gọi tắt là VinBus) bắt đầu vận hành tuyến xe buýt điện D4 ở TPHCM từ tháng 3/2022 và có lộ trình mở rộng hoạt động thêm 4 tuyến khác (tổng cộng là 5 tuyến theo quy hoạch của TPHCM) với mục tiêu sử dụng phương tiện điện trong giao thông công cộng. Tuy nhiên, sau 18 tháng hoạt động, xe buýt điện ở TPHCM không đáp ứng được các kỳ vọng và cũng không tạo được thay đổi rõ rệt so với xe buýt khác (chạy bằng khí CNG, xăng...). Đặc biệt, dù mới chỉ vận hành có 1 tuyến duy nhất mà đơn vị này đã lỗ 28,6 tỷ đồng, dư luận đặt vấn đề nếu vận hành thêm 4 tuyến khác thì khoản lỗ sẽ như thế nào?
Thống kê chi tiết cho thấy trong 18 tháng qua, lượng hành khách sử dụng tuyến xe buýt điện tăng nhiều, thậm chí lượng hành khách trung bình của tháng 9/2023 hơn gấp 2 lần lúc mới hoạt động. Cụ thể, tháng 3/2022 mỗi chuyến xe trung bình chỉ có 14,1 hành khách trong khi con số này của tháng 9/2023 là 33,4 hành khách. Tuy lượng hành khách tăng hơn gấp 2 lần nhưng điều kỳ lạ là khoản tiền lỗ của công ty vận hành lại không có nhiều thay đổi so với trước. Theo đó, trong khoản lỗ 28,6 tỷ đồng từ tháng 3/2022 tới nay trong năm 2022 (từ tháng 3 tới tháng 12, tổng cộng 10 tháng) là 16,1 tỷ đồng (trung bình khoảng 1,6 tỉ đồng/tháng). Trong khi đó 8 tháng năm 2023 công ty này lỗ tới 12,5 tỷ đồng (trung bình khoảng 1,56 tỷ đồng/tháng). Nghĩa là lượng hành khách tăng nhưng khoản lỗ của công ty không có thay đổi tương ứng. Đây là điều rất đáng lưu tâm bởi dù hành khách đi nhiều hay ít, công ty vẫn bị lỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc công ty vận hành xe buýt điện tại TPHCM bị lỗ nặng là do tỷ lệ trợ giá (dùng tiền ngân sách cung cấp cho công ty) còn thấp, chỉ khoảng 44,1% chi phí vận hành. Để công ty này không bị tiếp tục thua lỗ, ngân sách trợ giá dự kiến cho xe buýt điện cần tăng lên 64,8%. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là hiện nay chỉ với duy nhất 1 tuyến xe buýt điện D4 mà đơn vị này đã chịu khoản lỗ 28,6 tỷ đồng thì khi vận hành 5 tuyến, khoản lỗ có thể lớn hơn, kéo theo nguồn tiền ngân sách chi cho công ty cũng tăng nhiều. Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, nhiều dự án quan trọng cần được ưu tiên thì việc duy trì các hoạt động như xe buýt điện cần hết sức cân nhắc.
Có thể nói, chủ trương “phủ xanh” các phương tiện vận tải công cộng của TPHCM là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên việc chọn lựa đơn vị thực hiện, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của ngân sách đang là vấn đề mà địa phương cần phải tính toán sao cho phù hợp trong thời gian tới.