Giáo dục

Thế nào là trường đại học trọng điểm quốc gia?

Thu Hương 04/12/2023 07:16

Trong khi một số trường đại học đề xuất được trở thành trường trọng điểm quốc gia, thì một số trường mong muốn sớm đưa ra các điều kiện cụ thể để trở thành trường trọng điểm.

anh-bai-chinh.jpg
Theo quy hoạch, tới năm 2030 sẽ phát triển thêm 3 đại học quốc gia. Ảnh: Lâm An.

Tiêu chí nào cho “đại học trọng điểm”?

Theo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở GDĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng trong đó khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học (ĐH) quốc gia, 5 ĐH vùng và từ 18 đến 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia.

Tới năm 2030, phát triển thêm 3 ĐH quốc gia trên cơ sở ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM trở thành các ĐH thuộc nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Tại tọa đàm lấy ý kiến góp ý về Dự thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức cuối tuần qua, đại diện nhiều trường ĐH đã bày tỏ kiến nghị đưa thêm một số trường vào danh mục trọng điểm. Theo ông Lê Vinh Hưng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, lĩnh vực đào tạo giáo viên ngành nghệ thuật đang là yêu cầu cấp thiết của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ông Hưng đề xuất bổ sung trường vào danh mục quy hoạch trường trọng điểm, tạo hành lang pháp lý và sự đầu tư rõ ràng vào trường nghệ thuật.

Ông Đinh Công Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng danh mục quy hoạch đề xuất 2 cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vào nhóm trọng điểm quốc gia nhưng chưa mang tính chất đại diện và bao quát cho lĩnh vực này. Ông Tuấn đề xuất lựa chọn và xác định các cơ sở đào tạo trọng điểm về văn hóa theo các tiêu chí đa ngành. Đồng thời, khi chọn cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật cần lưu ý trường có nhiều chuyên ngành nghệ thuật khác nhau.

Tương tự, ông Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho rằng, các ĐH quốc gia, ĐH vùng và các trường trọng điểm ngành quốc gia phải là những trường dẫn dắt các trường khác; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao làm giảng viên ở các trường ĐH khác... Hiện nay, ngành dược là một ngành được đánh giá hết sức quan trọng, toàn quốc chỉ có duy nhất Trường ĐH Dược Hà Nội. Trong chuẩn quy trình đào tạo, Bộ Y tế và Bộ GDĐT cũng giao Trường ĐH Dược Hà Nội xây dựng chuẩn đào tạo và nhiều công việc khác mang tính chất dẫn dắt, tiên phong. Vì vậy, đề xuất trong danh sách các trường ĐH trọng điểm quốc gia bổ sung thêm Trường ĐH Dược Hà Nội.

Trên thực tế trường nào cũng mong được trở thành trường ĐH trọng điểm song nói như GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, muốn làm quy hoạch thì cần phải có một đầu mối quản lý Nhà nước. Ngành nào là ngành chủ lực thì nhà nước cần nắm bắt, đặt vấn đề từng bước chứ không thể dàn hàng ngang được.

“Vấn đề xác định cơ cấu nào, nhà nước cần phải quản, chúng ta phải làm trước thì lộ trình đơn giản. Tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, các trường soi vào thì tính tự giác cao hơn”, GS. Minh nói.

Chia sẻ qua điểm này, theo PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, thay vì liệt kê trường trọng điểm thì nên đưa ra các điều kiện cụ thể để trở thành trường trọng điểm và có cơ chế linh hoạt trong việc lựa chọn và phát triển.

“Mong muốn của chúng tôi là đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong phát triển giáo dục, có cơ chế công bằng để các trường ĐH có cơ hội, dù không nằm trong các trường trọng điểm nhưng cũng không mất đi lợi thế cạnh tranh phát triển kể cả trong nước và quốc tế”, PGS.TS Phạm Thu Hương nói.

Đầu tư có trọng điểm, tránh dàn hàng ngang

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra, theo dự thảo hiện nay có 30 cơ sở ĐH trong danh mục, dù chỉ chiếm 10-15% số cơ sở GDĐH nhưng có quy mô 30% sinh viên, 80% tiến sĩ. Nếu hơn thì rất khó, sẽ không còn “trọng điểm” nữa vì nguồn lực nhà nước có hạn.

“Trọng điểm ở đây vừa mang tính chất lĩnh vực ngành trọng điểm then chốt, bám sát Nghị quyết của Đảng, ưu tiên Sư phạm, Y dược, lĩnh vực Khoa học – Kỹ thuật - Công nghệ, Pháp luật...trong Nghị quyết của Đảng, chứ không phải đưa tất cả các ngành,” ông Sơn nói.

Theo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phân bổ ngân sách GDĐH vẫn bị chi phối bởi tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm cùng tình trạng cục bộ, địa phương. Biểu hiện cụ thể là việc phân bổ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học trong GDĐH không những rất thấp mà còn không công bằng. Các cơ sở GDĐH đóng góp 1/3 số người làm nghiên cứu toàn thời gian và chiếm 3/4 số người làm nghiên cứu có trình độ tiến sĩ trong toàn quốc nhưng kinh phí chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển của cả khối ĐH và cao đẳng chỉ chiếm khoảng 1/6 toàn quốc.

Để phân bổ ngân sách hợp lý, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GDĐT, cho rằng cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và sư phạm, khắc phục ngay tính nhỏ lẻ, đơn ngành, thiếu kết nối, dàn trải của hệ thống, xác định được các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia cùng các lĩnh vực, ngành đào tạo có tính ưu tiên. Từ đó, một mặt từng bước giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, tăng dần tỷ lệ chi đầu tư; mặt khác tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia và các lĩnh vực đào tạo ưu tiên trên nguyên tắc giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế nào là trường đại học trọng điểm quốc gia?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO