Ngày 14/1 làm việc với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam thừa nhận, nhiều cán bộ y tế, người lao động tại bệnh viện trực thuộc trường này bị nợ lương nhiều tháng qua.
Việc nợ lương của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam thời gian qua đã khiến cho đời sống của cán bộ, người lao động nơi đây gặp nhiều khó khăn, trong khi đó Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã về.
Họ rất mong muốn được giải quyết trước Tết âm lịch này, nhưng xem ra mọi vấn đề đang rất khó.
Chị Ng.H., (xin dấu tên), bác sĩ của BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết: “Lãnh đạo bệnh viện này chưa trả lương cho tôi lương từ tháng 10/2021 cho đến gần hết 1 tháng/2022. Tôi đã kiến nghị lên lãnh đạo bệnh viện thì họ giải thích, hiện giờ chưa có nguồn chi và chờ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho tạm ứng mới có tiền chi trả lương. Thế nhưng, tôi chờ 4 tháng rồi mà tiền lương vẫn bị nợ”.
Theo chị H. hiện tại mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều nhờ chồng lo, như đóng tiền học phí cho con, chi cho cuộc sống hằng ngày. Nếu tình trạng nợ lượng vẫn kéo dài vài tháng nữa chắc chị xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Chị rất mong lãnh đạo bệnh viện quan tâm sớm chi trả tiền lương để chị có nguồn thu nhập lo cho gia đình.
Tương tự, chị H.P. (xin dấu tên), nhân viên y tế của BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho hay: “Tôi được ký hợp đồng dài hạn ở bệnh viện này, với mức lương là 4,6 triệu đồng/tháng (bao gồm phụ cấp ngành y tế). Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay tôi chưa được trả lương, khiến mọi khoản chi tiêu trong gia đình phải đi vay mượn bạn bè và người thân. Đi làm mà không được trả lương thì rất buồn. Không có tiền trang trải cho cuộc sống thì rất khổ. Tôi mong trước Tết cổ truyền của dân tộc được trả lương để lo cho gia đình”.
Một nhân việc khác của bệnh viện cho biết: “Tôi làm việc ở BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, phải thăm khám và làm hồ sơ bệnh nhân rất vất vả. Nhưng 4 tháng qua không được trả lương rất chạnh lòng”.
Không chỉ các thầy thuốc nói trên mà hiện tại còn có nhiều nhân viên y tế, bảo vệ của bệnh viện cũng lâm vào tình trạng nói trên, trong đó có nhiều người là trụ cột của gia đình phải lo kinh tế mà lại không có tiền nên họ đã xin chuyển qua đơn vị khác hoặc xin làm thêm ở nơi khác ngoài giờ hành chính, hoặc đang tự xoay xở rất cực khổ.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, nơi bệnh viện nói trên trực thuộc cho biết, hiện tại có khoảng 40 người là cán bộ, người lao động của bệnh viện bị nợ tiền lương. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình hình nợ tiền lương của cán bộ, người lao động trong bệnh viện.
“Thứ nhất, là việc vượt trần, vượt quỹ của những năm trước không được BHXH thanh toán nên dẫn đến mất cân đối thu chi, cùng với đó dư nợ tạm ứng của những năm trước quá lớn (khi đó ông Tuấn chưa làm Hiệu trưởng - PV), BHXH không cho tạm ứng tiếp, trong khi đó bệnh viện bây giờ tự chủ hoàn toàn, tinh giản bộ máy hết sức rồi nhưng vẫn rất khó khăn. Cùng với đó 2 năm qua dịch Covid-19 hoành hành, bệnh viện rất ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh, nên bệnh viện không đủ nguồn để chi lương”, ông Tuấn nói.
Khi được hỏi, vậy giải quyết vấn đề này trước mắt và lâu dài như thế nào? Ông Tuấn cho biết, trước đây ông có báo cáo với UBND tỉnh về thực trạng của bệnh viện, còn bây giờ đã làm văn bản gửi lên lãnh đạo cấp trên xin ứng kinh phí để sớm có tiền chi trả cho khoảng 40 người là cán bộ y tế, người lao động để lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Về phương án lâu dài, theo ông Tuấn, bệnh viện sẽ sắp xếp lại bộ máy, tinh giản nhân sự, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đồng thời liên kết hợp tác công tư để duy trì hoạt động.
Trước tình trạng này, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nhận được thông tin BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nợ lương cán bộ, người lao động 4 tháng qua, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Tài chính tỉnh tham mưu để có biện pháp giúp đỡ.