Bên cạnh các biến chủng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo đáng lo ngại như Alpha, Beta, Gamma, Delta, thì Mu được cảnh báo, có khả năng kháng vaccine hơn chủng ban đầu.
Xuất hiện tại châu Mỹ và châu Âu
Cho đến thời điểm hiện tại, biến chủng Mu, xuất hiện lần đầu ở Colombia vào tháng 1/2021, đã tiếp tục xuất hiện ở thủ đô Washington và 49 bang của Mỹ. California là bang ghi nhận số ca nhiễm chủng Mu cao nhất với 384 người nhiễm, trong đó có 167 người ở Los Angeles. Nebraska là bang duy nhất ở Mỹ chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Mu. Các chuyên gia y tế lo ngại chủng này có khả năng lây nhiễm cao và kháng vaccine Covid-19.
"Việc xác định được các biến chủng như Mu và sự lan rộng của các biến chủng trên toàn cầu cho thấy người dân phải tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân và cộng đồng", giám đốc y tế công cộng hạt Los Angeles Barbara Ferrer nói.Ông Ferrer cho biết thêm, các biến chủng cũng cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm chủng, nhằm phá vỡ chuỗi lây nhiễm và hạn chế nguy cơ virus đột biến thành các chủng nguy hiểm hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 30/8 đã đánh giá biến chủng Mu thuộc nhóm “đáng quan tâm” vì khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng khác. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ chưa đưa ra kết luận về điều này.
Biến chủng Mu cũng đã xuất hiện ở Vương quốc Anh với 55 trường hợp đã được xác định cho đến nay. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci cho biết, giới chức y tế nước này đang theo dõi chặt chẽ biến chủng Mu.
Tuy nhiên, ông Fauci cũng làm giảm mối lo ngại về biến chủng này khi cho rằng: “Ngay cả khi các biến thể làm giảm phần nào hiệu quả của vaccine, thì vaccine vẫn có hiệu quả nhất định đối với các biến chủng đó”.
Cảnh báo từ chuyên gia
Hãng tin New Straits Times dẫn lời ông Awang Bulgiba Awang Mahmud, giáo sư dịch tễ tại Đại học Malaysia, cho biết, mặc dù biến chủng Mu có thể không phải là biến chủng gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nó vẫn có thể tàn phá cơ thể nếu để lây lan mạnh. Cũng theo vị chuyên gia này, hiện tại chưa có nhiều thông tin về biến chủng Mu, nhưng cần theo dõi chặt chẽ bởi nó có thể vừa dễ lây lan hơn, vừa có độc lực cao hơn.
“Hiện tại chưa thể xác định liệu Mu có thể trở thành biến chủng trội lấn lướt cả biến chủng Delta hay không, nhưng ở Colombia, nó đang lấn lướt biến chủng Alpha và Gamma - những biến chủng thuộc nhóm "đáng lo ngại" - ông Awang nói.
Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam, chuyên gia virus học tại Đại học Monash, cũng cảnh báo, biến chủng Mu "chứa công thức dẫn đến thảm họa", do vậy Malaysia cần thận trọng, siết kiểm soát biên giới và theo dõi sát diễn biến của biến chủng này.
Theo ông Anthony Fauci: "Biến thể Mu có một loạt các đột biến cho thấy nó sẽ né tránh một số kháng thể nhất định, không chỉ là kháng thể đơn dòng, mà còn cả các kháng thể được tạo ra trong huyết thanh và vaccine”.
Trong khi đó, dù xác nhận biến chủng Mu hiện đã lây lan ra ít nhất 39 quốc gia trên toàn cầu, nhưng chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO vẫn đánh giá Mu chưa đáng lo ngại bằng Delta, biến chủng hiện đã được xác nhận xuất hiện ở ít nhất 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cùng với đó, ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, cảnh báo, sẽ còn xuất hiện thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai. Trong số chúng có thể bao gồm biến chủng nguy hiểm không kém Delta, song cũng có các biến chủng ít nguy hiểm hơn.
Cho đến nay, biến chủng Mu đã xuất hiện ở hơn 40 quốc gia, gây bệnh Covid-19 cho khoảng 4.500 người.
Thuộc nhóm “đáng quan tâm”
Biến thể Mu (còn được các nhà khoa học gọi là B.1.621) xuất hiện lần đầu ở Colombia vào đầu tháng 1/2021, được WHO xếp vào nhóm đáng quan tâm vào ngày 30/8. Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến di truyền cho thấy khả năng né tránh miễn dịch tự nhiên, các loại vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng hiện tại có thể không hoạt động hiệu quả như chống lại virus gốc. Chủng Mu cần được nghiên cứu thêm để xác nhận xem liệu nó có dễ lây lan hơn, gây chết người hay kháng thuốc hơn với các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại hay không.
Bản tin hàng tuần của WHO cho hay, chủng này chỉ chiếm ít hơn 0,1% các trường hợp mắc Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, “tỷ lệ mắc chủng Mu ở Colombia (39%) và Ecuador (13%) liên tục tăng cao”.
Dù vậy, thời điểm này, vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu biến thể Mu có thể tránh được vaccine Covid-19? Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các chuyên gia ở Rome đã kiểm tra hiệu quả của vaccine BioNTech-Pfizer chống lại biến thể Mu và phát hiện ra rằng “mặc dù có một số đột biến gai, nhưng B.1.621 vẫn được vô hiệu hóa bởi vaccine Pfizer". Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet vào ngày 13/8 cho thấy rằng, biến chủng Mu có “hai trường hợp có khả năng thoát khỏi vaccine”. Nghiên cứu chỉ ra rằng, một số gai tăng đột biến trong Mu "đã được báo cáo là cho thấy sự giảm trung hòa bởi các kháng thể". Biến thể Mu cũng được phát hiện có chung một đột biến với biến thể Delta, liên quan đến làm suy yếu phản ứng vaccine.
Hiện tại, WHO xếp Mu vào nhóm biến chủng đáng quan tâm, hay nhóm gồm các biến chủng cần theo dõi thêm về khả năng lây lan và kháng vaccine cao hơn.
Biến chủng Mu và Lambda hiện nằm trong danh sách các biến chủng cần quan tâm (VOI) của WHO, tức được xác định là nguy hiểm hơn các biến chủng ban đầu, nhưng chưa có dấu hiệu đáng lo bằng các biến chủng trong danh sách VOC (Alpha; Beta; Gamma; Delta,).
Biến thể Mu (còn được các nhà khoa học gọi là B.1.621) xuất hiện lần đầu ở Colombia vào đầu tháng 1/2021, được WHO xếp vào nhóm đáng quan tâm vào ngày 30/8. Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến di truyền cho thấy khả năng né tránh miễn dịch tự nhiên.
Được phát hiện lần đầu tại Colombia đầu năm 2021, biến chủng Mu đã gây ra một số chùm ca bệnh rải rác tại Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, biến chủng này không lây lan mạnh như chủng Delta. Các nhà khoa học nhận định đây không phải là mối đe dọa lớn đối với thế giới.