Sau hơn một năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, tới nay chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được triển khai ở nhiều nơi, thậm chí một số nước và khu vực đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dấu mốc hơn 500 nghìn người chết vì Covid-19 của nước Mỹ là một con số rất đáng buồn và đáng suy ngẫm.
1. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 22/2, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ lên 500.071 người. Số người mắc Covid-19 tại nước này cũng đã vượt 28 triệu ca. Với những con số này, Mỹ tiếp tục là tâm dịch lớn nhất thế giới.
“Chúng ta chưa từng chứng kiến một đại dịch nào như thế này trong hơn 100 năm qua. Thật sốc khi nhìn vào các con số, gần như không thể tin được nhưng đó là sự thật” - Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ bình luận.
TS Anthony Fauci cũng cảnh báo, mặc dù số ca mới đã giảm nhưng người Mỹ vẫn cần thận trọng bởi tỷ lệ người dân được tiêm chủng chưa đủ để giúp Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng.
Những tuần gần đây, số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ đã bắt đầu giảm khi chính quyền Tổng thống Biden đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, siết chặt các quy định phòng dịch nhằm ngăn đà lây lan của virus. Mặc dù vậy, mỗi ngày Mỹ vẫn ghi nhận từ 1.500 đến 3.500 ca tử vong do Covid-19.
Nguyên nhân của việc số ca nhiễm mới và tử vong suy giảm ở Mỹ trong thời gian qua được cho là do người dân ở nhà nhiều hơn do thời tiết lạnh và tuân thủ tốt hơn các quy định về sử dụng khẩu trang và giãn cách xã hội.
Ca tử vong đầu tiên do Covid-19 ở Mỹ được ghi nhận ở bang California hồi đầu tháng 2/2020 và đã tăng lên 100.000 trong vòng 4 tháng. Các cột mốc 200.000 và 300.000 được ghi nhận trong tháng 9 và tháng 12. Và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, con số này đã lần lượt vượt qua mốc 400.000 và 500.000.
Trước dấu mốc đáng buồn trên, ngày 22/2 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ trên khắp các tòa nhà liên bang nhằm tưởng niệm những người dân Mỹ đã tử vong vì đại dịch Covid-19. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, việc treo cờ rủ sẽ diễn ra trong năm ngày. Ngay sau đó, Tổng thống Biden cùng phu nhân Jill Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và chồng là Doug Emhoff cũng tham dự buổi lễ tưởng niệm và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân Covid-19 tại Nhà Trắng. Nhà thờ quốc gia tại Thủ đô Washington cùng ngày cũng đã đánh 500 hồi chuông để tưởng niệm các nạn nhân này.
Phát biểu trước buổi lễ tưởng niệm tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho rằng, mốc hơn 500.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19 là con số thực sự nghiệt ngã và đau lòng. Ông Biden nhắc lại những đau buồn và mất mát của chính gia đình mình khi tưởng nhớ những người đã mất vì dịch bệnh trong năm 2020.
“Với tư cách là một quốc gia, chúng ta không thể chấp nhận số phận nghiệt ngã như vậy. Chúng ta hãy tưởng nhớ những người đã chết nhưng quan trọng là quan tâm đến những người còn sống, những người họ bỏ lại” - ông Biden nói.
Tổng thống Biden cũng kêu gọi người Mỹ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang để ngăn chặn virus lây lan, đặc biệt vào thời điểm số ca mắc bệnh đang giảm nhưng vẫn ở mức cao trên toàn quốc.
2. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay với cuộc chiến đối phó đại dịch tại Mỹ cũng như các nước trên thế giới là sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây và lan nhanh hơn. Giới khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để tìm hiểu các biến thể này có thể làm giảm hiệu quả của vaccine như thế nào.
Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc không chỉ giới khoa học mà cả các quan chức và nhiều người dân đã nhận ra rằng, bất chấp nỗ lực của con người chạy đua với thời gian nhằm ứng phó với virus SARS-CoV-2, con virus nhỏ bé có khả năng hủy diệt ghê gớm này sẽ không vì thế biến mất hoàn toàn khỏi nước Mỹ, hay biến mất hẳn trên cả hành tinh, trong “ngày một, ngày hai”.
Các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng, biến thể phát hiện ở Anh và Nam Phi có thể phá hủy được tính miễn dịch mà những người từng mắc Covid-19 trước đó có được và bởi tính chất của virus là luôn biến thể cho nên chưa thể biết sẽ còn bao nhiêu chủng mới sẽ phát sinh trong thời gian tới, nhất là khi chúng ngày càng biến đổi “tinh vi” hơn để “đối phó” với những vaccine do con người chế tạo ra.
Trong khi đó, một thông tin có thể nói là gây sốc đối với công dân toàn cầu, ngày 23/2, Hãng RT đưa tin, khoảng 240 chủng đột biến của virus corona gây bệnh Covid-19 đã bị phát hiện trên khắp Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 2 thế giới với trên 11 triệu ca và 156.000 người chết. Các quan chức y tế nước này cảnh báo một số chủng có thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn và thậm chí có nguy cơ tấn công hệ miễn dịch cơ thể người cùng một lúc.
Shahshank Joshi - một quan chức thuộc lực lượng chống dịch của Ấn Độ - nói với NDTV rằng, các chủng virus mới dường như là nguyên nhân của sự gia tăng đột biến các ca bệnh mới ở một số bang của Ấn Độ, bao gồm Maharashtra - bang đông dân thứ hai.
Trong khi đó, ông Randeep Guleria - người đứng đầu Viện Khoa học y tế toàn Ấn (AIIMS), cảnh báo một số biến chủng có khả năng lây nhiễm nhanh hơn hoặc có thể nguy hiểm hơn. Ông Guleria cho hay một số chủng có cơ chế “thoát miễn dịch” có thể gây tái nhiễm ở những người đã có kháng thể Covid-19 sau khi mắc bệnh này hoặc tiêm vaccine.
Các chuyên gia cho biết tiêm chủng vẫn là điều “bắt buộc”, vì ngay cả khi dùng thuốc không ngăn ngừa tái nhiễm nó vẫn có thể giúp các triệu chứng bệnh nhẹ hơn. Nhưng ông Guleria cho hay, việc chỉ tiêm phòng là chưa đủ vì cần “các biện pháp tích cực như xét nghiệm, truy tìm vết tiếp xúc và cách ly ca bệnh” để chống dịch lây lan.
Bộ Y tế Campuchia sáng 23/2 thông báo, nước này phát hiện thêm 25 ca Covid-19 mới, trong đó, có 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 3 trường hợp nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2 mới. Để đối phó với tình hình, trước đó, Chính phủ Campuchia cũng đã ra lệnh đóng cửa các trường học, rạp chiếu phim, trung tâm giải trí, bảo tàng… tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal. Thủ tướng Hun Sen cũng đã ký quyết định sẽ trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại đối với người nước ngoài không hợp tác về phòng chống dịch, bỏ trốn khỏi nơi cách ly. Còn người Campuchia sẽ bị xử lý theo pháp luật.