Đến thời điểm này, mùa phim hè coi như kết thúc. Lại thêm một mùa hè phim Việt “thua trên sân nhà”. Nhiều bộ phim phải lặng lẽ rời rạp, chấp nhận thua lỗ khi không có cách nào hút được khán giả tới rạp.
Trước khi mùa hè bắt đầu, sự èo uột của bộ phim “Móng vuốt” như một dấu hiệu cho thấy rất nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Box Office Vietnam, “Móng vuốt” cho dù có thời điểm được xếp 12 suất chiếu trong ngày nhưng doanh thu có ngày ở mức 0 đồng (tính theo số người đặt vé trước). Tổng doanh thu qua bán vé của “Móng vuốt” là hơn 4 tỷ đồng, trong khi theo các nhà sản xuất phim trong nước thì “mức sàn” phải đạt được của một phim ra rạp là 30 tỷ đồng.
Những cuộc rút lui lặng lẽ
Những tháng đầu năm 2024, phim Việt thành công ngoạn mục với tổng doanh thu vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Nhưng ngay sau đó lại chứng kiến thất bại thê thảm khi có tới 7 phim đạt chưa đầy 20 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến “Đóa hoa mong manh”, doanh thu chỉ hơn 500 triệu dồng. “Trà” và “Án mạng lầu 4”, hơn 2 tỷ đồng. “Móng vuốt” và “B4S - Trước giờ yêu” cũng chỉ hơn 4 tỷ đồng và “Quý cô thừa kế 2” gần 7 tỷ đồng…
Một trong những phim sớm phải rời rạp hè này là “Mùa hè đẹp nhất” với doanh thu ảm đạm 2,4 tỷ đồng sau 7 ngày chiếu. Điều đáng nói, “Mùa hè đẹp nhất” quy tụ nhiều nghệ sĩ lớn như NSND Việt Anh, NSND Công Ninh, NSƯT Công Ninh... Yếu tố con người đã không gánh được doanh thu phòng vé. Đây được coi là điểm chung lớn nhất khiến phim Việt ra rạp hè năm nay gần như thất bại.
Thực tế đó lại một nữa khẳng định phim mùa hè do các nhà sản xuất trong nước thực hiện là rất bấp bênh, số phim thất bại (tính theo doanh thu phòng vé) ngày càng nhiều. Một con số khác cũng rất đáng suy nghĩ, đó là sự chênh lệch doanh thu cực lớn giữa các phim. Theo Box Office Vietnam, 2 bộ phim của Lý Hải và Trấn Thành đã chiếm 87,3% doanh thu (1.032,6 tỷ đồng); còn lại dành cho 10 bộ phim khác (khoảng 149,4 tỷ đồng).
Tìm cách thoát khỏi cách nghĩ đã thành rãnh mòn
Đi tìm nguyên nhân khó khăn của phim Việt nói chung và phim Việt mùa hè nói riêng, đã có nhiều phân tích, mổ xẻ. Việc này chí ít cũng đã kéo dài 5 mùa hè, nhưng tình thế vẫn không thay đổi.
Nguyên nhân đầu tiên được cho là các bộ phim không thực sự giá trị, không đủ sức cuốn hút và đôi khi có phần dễ dãi. Hầu hết các phim đều nhắm đến đề tài quen thuộc như tình yêu đôi lứa, khúc mắc trong cuộc sống gia đình, vốn được cho là có khả năng hút khách. Tuy nhiên, chính việc luẩn quẩn trong đề tài quen thuộc đã khiến cả biên kịch, đạo diễn lẫn diễn viên không tìm được sự sáng tạo mới, khiến cho phim trở nên nhàm chán.
Nhiều bộ phim ngay từ tên phim cũng đã cho thấy sự cũ kĩ và nội dung rất giới hạn cũng như bối cảnh hành động trong phim chắc chắn sẽ luẩn quẩn. Điều đó dẫn tới một kết cục được báo trước, đó là không có gì để khán giả khám phá, xúc cảm.
Có thể nhận thấy, không ít nhà sản xuất đã bị trôi trượt vào đường ray cũ khi luôn coi đó là đề tài chắn chắn sẽ thu hút người xem. Nhưng thực tế thì người xem hôm nay đã rất khác, khi mà hàng ngày họ được xem những bộ phim khác biệt của điện ảnh nước ngoài. Từ đó, sẽ so sánh một cách tự nhiên.
Một số nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn gần đây đã có những thành công nhất định với dòng phim kinh dị, giật gân, kể cả phim ma. Tuy nhiên, người xem cũng dễ nhận thấy sự sao chép vụng về từ phim nước ngoài, từ tình huống phim đến diễn xuất. Có nghĩa là không hẳn người khác thành công, mình đi theo thì cũng sẽ thành công. “Ăn theo” thành công của người khác thì cũng không thể bảo hiểm được cho chính mình.
Nguyên nhân thứ hai là cách nghĩ đã thành rãnh mòn trong lĩnh vực này, đó là không chú trọng mùa phim hè khi mà chỉ dồn sức vào mùa phim Tết. Các nhà làm phim, kinh doanh phim trong nước luôn coi Tết là dịp để “hái ra tiền”, mà không đánh giá đúng mặt mạnh của phim hè khi mà đó là thời gian học sinh, sinh viên có một kỳ nghỉ kéo dài tới vài tháng nên có nhu cầu giải trí rất lớn sau khi trải qua nhiều tháng ngày học hành vất vả.
Nguyên nhân thứ ba, chính vì không chú tâm cho phim hè nên thị trường phim Việt đã phải “nhường sân” cho phim nước ngoài. Mùa hè này một lần nữa cho thấy điều đó, khi mà đa số phim Việt co cụm rồi lặng lẽ rút khỏi rạp do ế ẩm thì phim ngoại lại mặc sức tung hoành, trong đó có cả những bộ phim dành cho thiếu nhi. Ở đây, còn có tâm lý các nhà làm phim trong nước ngại đụng độ với phim “bom tấn” nước ngoài vào mùa hè, vì thế chỉ dám làm những bộ phim giá rẻ nên càng khiến cho khán giả quay lưng, cho dù đã khai thác triệt để yếu tố câu khách một cách rất rõ ràng là “trai xinh, gái đẹp”.
“Thất bát” từ phim hè cho thấy phải nhìn nhận, định hình lại cách sản xuất phim. Nếu như không muốn tiếp tục bị “tổn thương”.
Nói như đạo diễn - nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn thì đầu tư phim cũng giống đầu tư vàng, kim cương, bất động sản, đô la Mỹ. Có những người rất thành công khi đầu tư bất động sản, có những người rất giàu từ nhiều ngành nghề khác như thẩm mỹ, kinh doanh địa ốc, nhà hàng, quán ăn... bỏ vốn sang đầu tư phim nhưng không may thất bại, thiệt hại tài sản và rời bỏ cuộc chơi. Nếu chỉ nhìn vào những bộ phim đạt hơn trăm tỷ đồng, dễ có cảm giác rằng ngành sản xuất phim điện ảnh đang hồi phục mạnh mẽ. Nhưng thực tế đây là những trường hợp hết sức đặc biệt, thậm chí là đầy nghịch lý trong bức tranh chung. Thất bại của đại đa số phim Việt thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu đến từ chất lượng nội dung yếu kém, không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.