Số người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới đã giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2016, nhưng lại có nhiều quốc gia bị ảnh hưởng hơn, theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu (GTI) được công bố hôm 16/11.
IS được cho là nguyên nhân khiến số người chết do khủng bố ở châu Âu tăng đột biến trong năm 2016. (Nguồn: CNN).
Trong báo cáo mới nhất được Viện Kinh tế và Hòa bình Australia công bố, có 25.673 người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố trong năm 2016 - giảm 22% so với giai đoạn cao nhất năm 2014. Khu vực châu Á - Thái Bình đứng thứ 3 trong số các khu vực chịu ảnh hưởng ít nhất từ chủ nghĩa khủng bố.
Theo báo cáo, Philippines nằm ở vị trí thứ 12 trong số các nước bị ảnh hưởng bởi khủng bố nhiều nhất, trong khi Mông Cổ, Hàn Quốc, Papua New guinea, Singapore, Đông Timor và Việt Nam nằm trong số 134 quốc gia không xảy ra bất kỳ vụ khủng bố nào trong vòng 5 năm qua.
Tính từ năm 2002, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng các hoạt động khủng bố, xét về cả số lượng các vụ tấn công và con số người thiệt mạng do khủng bố, báo cáo cho hay.
"Trong vòng 15 năm quua, số lượng các vụ tấn công khủng bố đã tăng 720%, từ 106 vụ (2002) lên 870 vụ (2016). Trong năm 2002, có 350 người chết do tấn công khủng bố ở khu vực châu Á - Thái Bình dương. Con số này đã tăng lên 744 trong năm 2014, nhưng giảm xuống còn 469 trong năm 2016" - báo cáo cho hay.
Philippines, Trung Quốc và Thái Lan là các nước có số người chết do khủng bố cao nhất tính từ năm 2002, chiếm 85% tổng số người chết vì khủng bố trong toàn khu vực, theo báo cáo. Kể từ năm 2002, Philippines, Thái Lan và Myanmar có mức tăng các hoạt động khủng bố cao nhất.
"Trong năm 2016, 3 quốc gia này chiếm tới 94% tổng số vụ tấn công khủng bố, tức tăng từ mức 55% (2002). Mức tăng này là do nhiều yếu tố ở mỗi nước" - báo cáo nêu rõ.
Năm 2016, ở Philippines, các lực lượng phiến quân đã giành quyền kiểm soát thành phố Marawi trên đảo Mindanao trong nhiều tháng liền.
Năm 2002 ở Thái Lan, các nhóm Hồi giáo cực đoan người Mã lai đã khuấy động xung đột với lực lượng chính phủ, và năm 2016, ở Myanmar, lực lượng phiến quân Arakan được thành lập, tấn công các trụ sở cảnh sát.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, các vụ tấn công khủng bố ở Syria, Pakistan và Afghanistan đã giảm. Tuy nhiên, có 77 quốc gia trên thế giới từng hứng chịu ít nhất 1 vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử 17 năm hoạt động của Dữ liệu Khủng bố Toàn cầu.
GTI cho rằng số lượng các nạn nhân khủng bố đang giảm dần là "phát hiện tích cực" và là "điểm bước ngoặt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".
GTI cũng ghi nhận về sự cải thiện tình hình an ninh lớn nhất ở Nigeria, nơi mà số người chết do các vụ tấn công khủng bố của nhóm Boko Haram đã giảm 80% hồi năm ngoái. Tuy nhiên, số người chết do tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tăng gần 50% trong năm 2016, phần lớn mức tăng này - 40% - là ở Iraq.
GTI cũng xác nhận một chiều hướng nguy hiểm mới trên toàn thế giới, đó là việc chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng. Trong năm 2016, có thêm hàng chục quốc gia trở thành nạn nhân của một vụ tấn công khủng bố, nếu so với năm 2015.
Các tác giả báo cáo cũng cảnh báo về khả năng các chiến binh IS từ Iraq và Syria gia nhập các nhánh khủng bố ở nhiều nước khác.
Tại Afghanistan, các tác giả báo cáo cho rằng tình hình khủng bố trong năm 2016 là phức tạp, khi mà phiến quân Taliban giảm các vụ tấn công nhằm vào thường dân trong khi lại thực hiện nhiều vụ tấn công hơn nhằm vào lực lượng chính phủ.
Tại châu Âu và các nước phát triển, 2016 là một năm khủng bố đẫm máu nhất kể từ năm 1988, ngoại trừ sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, theo GTI. Báo cáo này nói rằng chính các hoạt động của IS đã gây ra mức tăng đột biến các vụ khủng bố ở châu Âu, trong đó 75% con số người chết do khủng bố ở các nước châu Âu là do IS gây nên.
Các hoạt động chuyển tiền giữa các tổ chức khủng bố cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ vào công nghệ Internet, ngân hàng trực tuyến, các dịch vụ chuyển tiền bằng điện thoại di động và cả tiền ảo; báo cáo cho hay.
"Bên ngoài các khu vực có chiến sự, chi phí để thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngày càng giảm, đến mức mà những kẻ thực hiện có thể tự rót vốn" - báo cáo nhận định.