Từ cuối năm 2016 đến nay, ngành thép nước nhà bị các thị trường thế giới “soi” rất kỹ và đưa ra nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thế giới có hơn 1.500 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, trong ngành thép chiếm tới 30% và riêng thép Việt đã và đang “dính” đến 27 vụ việc, chiếm 21%.
Các sản phẩm thép của Việt Nam phải đối mặt với số lượng các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng cao.
Trong bối cảnh thế giới dư thừa công suất, các sản phẩm thép của Việt Nam phải đối mặt với số lượng các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng cao. Một rào cản phổ biến mà ngành thép Việt Nam rất hay phải đối mặt thời gian qua là các vụ kiện đến từ các thị trường xuất khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mỹ, Indonesia…Một số quốc gia khác cũng đang xem xét khởi kiện thép Việt như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan…
Theo ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, việc ngành thép những năm gần đây liên tục bị các quốc gia nhập khẩu đưa ra những biện pháp phòng vệ thương mại cho thấy, ngành thép vẫn khá bị động. Đáng lưu ý, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt, ngành thép nước nhà hầu như không nhìn thấy cơ hội nào hoặc nếu có thì cũng rất ít và không bền vững. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ ngành thép Việt bị kiện nhiều hơn là do DN thép tập trung phát triển một vài lợi thế nhất định trong toàn chuỗi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lý do này là chưa hoàn toàn chính xác.
Phân tích về nhận định này, ông Sưa cho biết, gần đây chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nổi lên mạnh mẽ, đặc biệt khi Mỹ đã sử dụng mục 232 về đánh thuế vào những sản phẩm có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của họ, với mức thuế xuất là 25% đối với các sản phẩm thép. Bên cạnh đó cũng có nhiều nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu từ nước ta. Biện pháp các nước thường xuyên sử dụng là chống bán phá giá.
“Hiện nay, ngành thép Việt Nam có năng lực cạnh tranh tương đối khá, giá thành cũng rất hợp lý. Do đó, các nước thường xuyên sử dụng công cụ chống bán phá giá để khởi xướng những việc điều tra để áp thuế chỉ với mục đích chính là để ngăn cản số lượng thép xuất khẩu của Việt Nam tràn vào thị trường nước họ” – ông Sưa phân tích.
Ông Sưa thêm rằng, vì thép là ngành nguyên liệu đầu vào do đó sản phẩm thép luôn bị các nước chú ý đến. Điều này tất yếu gây ra những rào cản, khó khăn cho cộng đồng DN xuất khẩu thép.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, thời gian tới, việc xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định bởi các nước nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép của Việt Nam. Bởi vậy, các DN cần nỗ lực trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chú trọng tới thị trường trong nước để giữ vững ổn định sản xuất.