Xã hội

Thí điểm nuôi sá sùng thương phẩm

Nguyễn Quý 22/01/2024 08:36

Lần đầu tiên Quảng Ninh thí điểm nuôi sá sùng thương phẩm ngoài bãi triều xã Quảng Minh (huyện Hải Hà). Bước đầu đã cho kết quả khả quan.

anh-bai-duoi.jpg
Sá sùng được nuôi thí điểm tại bãi triều xã Quảng Minh. Ảnh: Nguyễn Quý.

Dẫn chúng tôi ra bãi triều xã Quảng Minh (huyện Hải Hà), vị trí được chọn thả 9.000 giống sá sùng vào ngày 16/12/2023 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX Quảng Hà, vui mừng cho biết: Sau hơn 1 tháng thả giống xuống bãi triều (được quây thành 6 ô với tổng diện tích 300m2), sá sùng sinh trưởng rất tốt. Đây là sản phẩm của Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản, sau khi nghiên cứu, thực nghiệm ương giống lên cấp 2 trong bể xi măng rồi mới đưa ra nuôi thương phẩm ngoài bãi triều.

Theo ông Sơn, bãi triều Quảng Minh có cát vàng, xốp, môi trường trong sạch, nguồn thức ăn phong phú từ các bãi sú, vẹt lân cận và từ sông Hà Cối chảy ra, hơn nữa bãi triều Quảng Minh có sá sùng xuất hiện tự nhiên. Đây là những điều kiện tối ưu về môi trường, thổ nhưỡng để sá sùng sinh trưởng và phát triển.

“Cuối tháng 1 này, chúng tôi phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản tiếp tục thả 35.000 đến 40.000 giống sá sùng xuống ao nuôi tại bãi triều Quảng Minh. Sau khi thu nhận được những dấu hiệu khả quan, dự kiến đến tháng 10 sẽ thả tiếp với số lượng lớn hơn nhiều lần” - ông Sơn nói.

Ngày 3/8/2023 UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 2208 về việc phê duyệt nhiệm vụ “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng quy mô hàng hóa tại tỉnh Quảng Ninh”. Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản đã ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản) cho biết, trường đã và đang thực hiện các nội dung theo đúng tiến độ được phê duyệt. Đợt thả 9.000 giống sá sùng vừa qua là bước thực hiện nội dung thí nghiệm 7: “Thử nghiệm nuôi thương phẩm sá sùng trên bãi triều”.

Theo ông Tuấn, năm 2017 - 2018, nhà trường đã thí điểm nuôi sá sùng ở Minh Châu, Quan Lạn và Vườn Quốc gia Bái Tử Long, tuy nhiên tỷ lệ sống của sá sùng khá thấp ngay trong 2 - 3 tháng đầu thả giống. Lần thả giống ngày 16/12/2023 vừa qua cho thấy, sá sùng ngay sau khi được thả đã đào hang chui sâu xuống (thể hiện giống khỏe), qua theo dõi thấy con giống sinh trưởng rất tốt.

Sá sùng được gọi là “thực phẩm giàu dinh dưỡng” và là một trong những đặc sản đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh với giá trị kinh tế rất lớn. Trong thịt sá sùng có chứa 7/8 loại amino acid không thay thế, 17 loại amino acid khác nhau, chứa 2 loại acid béo không no có hoạt tính sinh học cao có lợi cho sức khỏe con người là EPA và DHA và nhiều các chất khoáng khác. Giá thành sá sùng khô trên thị trường dao động từ 4 - 6 triệu đồng/kg và giá sá sùng tươi dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/kg tùy vào từng thời điểm khác nhau.

Thời gian gần đây, sá sùng được thu mua và chế biến xuất khẩu sang một số nước. Nhờ có thị trường xuất khẩu cho nên việc khai thác sá sùng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân ven biển. Vì thế, hàng năm, ngư dân khai thác khá nhiều, một phần được tiêu thụ trong nước và phần lớn được xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng sản phẩm khô. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, người dân đã khai thác không đúng mùa vụ, không đúng kích cỡ nên đã làm giảm đáng kể nguồn lợi sá sùng.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, điển hình như tại xã Minh Châu (huyện Vân Đồn), sản lượng khai thác sá sùng năm 1996 là 12 tấn khô, năm 2007 là 10 tấn, năm 2008 là 6 - 8 tấn, hiện nay ước tính chỉ đạt 4 - 5 tấn. Kích thước của sá sùng cũng có xu hướng giảm mạnh, từ 11cm (năm 1998) hiện nay giảm còn khoảng 7cm.

Sá sùng là loài có giá trị kinh tế cao, việc sản xuất giống nhân tạo sá sùng thành công sẽ tạo cơ sở cho nghề nuôi sá sùng phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân ven biển, giảm áp lực khai thác sá sùng tự nhiên và phục vụ cho việc bảo tồn nguồn lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí điểm nuôi sá sùng thương phẩm