Trịnh Công Sơn là một bậc kỳ tài về âm nhạc. Có người nói, lời bài hát của Trịnh như những bài thơ. Nhưng Trịnh Công Sơn lại đến với hội họa khá sớm, ngay từ thời kỳ đầu “Diễm xưa”. Điều đó nói lên vì sao hội họa luôn song hành cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
1. Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ. Ông nhấn mạnh, ở Trịnh Công Sơn, nhạc và thơ quyện với nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Còn nhạc sĩ Phạm Duy lại nhận xét toàn bộ âm nhạc của Trịnh Công Sơn đẹp như một bức họa trừu tượng. Hành trình sáng tạo âm nhạc của Trịnh Công Sơn được kết hợp từ những tứ thơ được nảy sinh trong những trải nghiệm.
Đáng chú ý không ít những tình khúc của Trịnh Công Sơn nếu tách phần lời ra sẽ giảm thiểu sức cảm hóa đến một nửa. Do đó lời ca của ông chính là những thi phẩm thấm đẫm nhân tình thế thái và nỗi buồn khôn nguôi. Tuy nhiên trong lời ca của Trịnh luôn lấp lánh ánh sáng dịu dàng của sắc xuân ngân rung. Nó hòa sắc như một bức tranh tổng hòa trong thơ Trịnh Công Sơn thoát khỏi nỗi cô liêu trống vắng.
Số lượng những ca khúc viết riêng cho mùa xuân Trịnh Công Sơn có tới 5 bài như: “Thành phố mùa xuân”, “Hoa xuân ca”, “Con đường mùa xuân”, “Ru em từng ngón xuân nồng” và “Góp lá mùa xuân”. Đúng như ông đã mở lòng: “Mùa xuân ấy là mùa phục sinh của những giấc mơ”. (Tôi là ai, là ai…).
“Có nhiều điều tôi chỉ có thể vẽ mà không diễn tả bằng âm nhạc được. Lúc ấy tôi phải dùng ngay cọ, màu và bố (toil). Ngược lại có những chủ đề chỉ có thể dùng âm nhạc mới nói được điều mình muốn. Tôi đã làm công việc song hành này trong rất nhiều năm và cảm thấy không hề có một sự va chạm hoặc đổ vỡ nào trong nguồn cảm hứng cả”.
Trước hết với ông xuân luôn gắn với những lời ru. Tình khúc “Ru em từng ngón xuân nồng” có một giai điệu dịu êm và mộng ảo với hình ảnh: “Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ/ Tay em kết nụ nuôi trọn một đời nuôi một đời người/ Mùa xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi”.
Những ẩn dụ khắc khoải của một cuộc tình qua lời ru. Âm nhạc dịu dàng gợi cảm: “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng/ Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm/ Giận hờn sẽ quên/ Dáng em trôi dài trôi mãi, trôi trên ngàn năm”.
Hình tượng thơ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn mộng mị với những: “Lời mẹ ru”, “Ru ta ngậm ngùi”, “Rơi lệ ru người” hay như “Ru em”, “Ru đời đã mất”, “Ru đời đi nhé” hoặc còn đó là “Ru tình”, “Tôi ru em ngủ” và “Ru em từng ngón xuân nồng”.
Riêng những tổ khúc thơ trong “Đóa hoa vô thường” đã thể hiện rất tập điển hình phong cách sáng tác Trịnh Công Sơn. Mở đầu tình khúc chính là những áng thơ kỳ ảo: “Tìm em tôi tìm mình hạc sương mai/ Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi/ Nụ cười mong manh một hồn yếu đuối/ Một bờ môi thơm/ Một hồn giấy mới”. Cuộc kiếm tìm cái đẹp và tình yêu ấy mỗi lúc một huyễn mộng cho dù: “Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh sấm bay rền vang/ Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn/ Tôi mời em về đêm gội mưa trong/ Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm”.
Niềm hân hoan trào dâng với sự kiếm tìm ngỡ như hạnh phúc kề bên: “Từ nay anh đã có nàng/ Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca/ Mùa xuân trên những mái nhà/ Có con chim hót tên là ái ân”. Giấc mộng diễm lệ ấy đã lôi kéo người thi sĩ trong hy vọng tràn trề. Phải nói đây là những thi ảnh tuyệt mỹ trong giấc mộng vô thường. Những câu thơ huyền ảo luôn xuất hiện trong những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Đó là sự khác biệt và độc đáo của ông.
2. Ở tuổi đôi mươi Trịnh Công Sơn có không ít bạn là họa sĩ trẻ ở Huế như Đinh Cường, Bửu Chỉ, Trịnh Cung, Lê Thành Nhơn… Đặc biệt họa sĩ Đinh Cường với Trịnh Công Sơn như hình với bóng. Có lần Trịnh Công Sơn tâm sự: “Tôi là khách vãng lai thường trực của atelier (xưởng vẽ) Đinh Cường. Thế giới tranh của Cường đối với tôi không có gì xa lạ, bởi chúng tôi đã sống trong thế giới ấy từ những ngày lòng chưa hề vướng bận về một tiếng thở dài” (trích Trịnh Công Sơn-Tôi là ai, là ai…).
Từ sớm Trịnh Công Sơn đã nhận biết rằng, trong hội họa mình đã gặp cái không bờ bến của một giấc mộng tự do tinh thần. Sự hấp dẫn của sắc màu đã dẫn dụ Trịnh Công Sơn luôn trầm mình trong giấc mộng ấy. Chính vì thế ông đã cầm cọ từ rất sớm cho dù chỉ tự học. Nhưng rồi thời cuộc đã lôi kéo nhạc sĩ rời xa Huế một thời gian dài. Và âm nhạc đã vang dội trong ông với những kết nối cộng đồng rất gắn bó. Đặc biệt trong giai đoạn lên Bảo Lộc dạy học nhạc sĩ đã dùng âm nhạc lên tiếng phản chiến chống tội ác của thực dân xâm lược.
Tuy nhiên, thời gian này ông vẫn vẽ trong hàng trăm bức thư gửi cho người đẹp Dao Ánh. Đó là những cánh chim và những bông hoa tình yêu tràn đầy niềm tin và hy vọng. Đáng chú ý là nhạc sĩ đã có những bức tự họa chân dung khá độc đáo. Ba năm sau khi chia tay Dao Ánh (1967), ông đã cùng với Khánh Ly tạo nên cuộc du ca thần thánh với những bạn trẻ miền nam lên tiếng phản chiến và hô hào bảo vệ đồng bào và những thân phận khổ đau.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ trở về Huế hoạt động trở lại. Đầu tiên lại chính là hội họa kiêm biên tập âm nhạc. Ông làm việc cho tạp chí Sông Hương và đã thiết kế măng-sét (manchete) đầu tiên. Trong thời gian này ông gặp lại các bạn họa sĩ và cùng vẽ với họ.
Hội họa trở thành một cứu cánh đắc lực bởi lẽ những năm tháng này những ca khúc của ông chưa được cho phép hát. Số phận đưa đẩy, nhạc sĩ vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Mãi cho đến giữa thập niên 1980 nhạc sĩ mới sáng tác âm nhạc trở lại.
Do đó, hội họa và âm nhạc luôn song hành trong giai đoạn trắc trở này. Và đã có một họa sĩ Trịnh Công Sơn từ đây. Tranh của Trịnh cũng đầy duyên nợ với cuộc đời. Nó không còn phần dữ dội mang âm hưởng của thời kỳ âm nhạc phản chiến nhưng lại ẩn giấu những tứ thơ và sự ám ảnh khôn nguôi. Có họa sĩ nhận xét rằng, tranh Sơn thanh thoát đến hư tưởng. Người xem thấy nhẹ nhàng khác với “lời ca thơ” đầy nước mắt của Sơn.
Không ít người nghĩ Trịnh Công Sơn đến với vẽ chỉ là cuộc chơi ngoại lệ. Nhưng đâu có phải. Trịnh Công Sơn luôn mê đắm hội họa và bộc bạch: “Có nhiều điều tôi chỉ có thể vẽ mà không diễn tả bằng âm nhạc được. Lúc ấy tôi phải dùng ngay cọ, màu và bố (toil). Ngược lại có những chủ đề chỉ có thể dùng âm nhạc mới nói được điều mình muốn. Tôi đã làm công việc song hành này trong rất nhiều năm và cảm thấy không hề có một sự va chạm hoặc đổ vỡ nào trong nguồn cảm hứng cả”.
Do vậy từ năm 1988 đến 2000 (trước khi mất một năm), Trịnh Công Sơn đã tham gia tới 5 cuộc triển lãm bày tranh cùng với các họa sĩ như Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em và Tôn Thất Văn. Đặc biệt tranh của Trịnh Công Sơn còn được chọn làm bộ lịch treo Tết năm 2019 với 6.000 bản in được phát hành. Đa số trong những tác phẩm đó đã được các nhà sưu tập tìm mua.
3. Cách đây không lâu, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn những người bạn thân thiết với ông đã cho xuất bản cuốn “Hội họa Trịnh Công Sơn”. Đây là một công trình nhìn lại hành trình sáng tạo trong hội họa của người nhạc sĩ tài hoa này. Sinh thời Trịnh Công Sơn quan niệm: “Thế giới hội họa là một thế giới chỉ có mở ra mà không có khép lại. Nó có thể mở đầu mà không có kết thúc. Đó là một thế giới hoàn thiện trong dang dở”.
Tuy chỉ với gần 100 tác phẩm gồm tranh và ký họa nhưng cuốn sách cũng đã phản ánh chính xác ngôn ngữ hội họa của Trịnh Công Sơn và sự thành công đáng kể của ông. Họa sĩ Nguyễn Trung cũng như Đinh Cường đã từng nhận định Trịnh Công Sơn đã trở thành họa sĩ thực thụ. Đặc biệt ông nổi trội khi vẽ chân dung bạn bè và tự họa cùng với những bức tranh không đề mang phong cách siêu thực. Ở bức tranh đó luôn ngân rung âm giai sắc màu và ánh lên áng thơ ấm áp của một tấm lòng trong gió reo.