Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn với kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia và thành tích cao của học sinh Việt Nam tham gia các kỳ Olympic quốc tế, khu vực.
Tiệm cận với kỳ thi quốc tế
Theo ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), năm 2023, kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia tiếp tục đạt được kết quả tốt với 4.588 thí sinh dự thi; Có 2.283 thí sinh đoạt giải (tỷ lệ 49,76%), trong đó có 97 giải Nhất, 520 giải Nhì, 732 giải Ba, 934 giải Khuyến khích. Tại các kỳ Olympic khu vực và quốc tế, Việt Nam có 7 đoàn với 36 lượt học sinh tham gia. Kết quả đạt được rất đáng tự hào khi tất cả thí sinh thi đều đoạt giải với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh Việt Nam dự thi liên tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất.
Trong năm 2024 và tiếp tục những năm sau đây, để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết Bộ GDĐT sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp như tiếp tục đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc để phục vụ cho việc ra đề thi; tăng cường cán bộ trẻ có năng lực để nâng cao hiệu quả tổ chức thi, tập huấn đội tuyển Olympic. Về tổ chức, các kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic sẽ tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế, chọn được HSG nhất tham dự các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia dẫn đoàn Vật lý tham dự Olympic Vật lý quốc tế, PGS.TS Đặng Đức Vượng - Phó trưởng khoa Vật lý kỹ thuật, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cho rằng những học sinh có mặt trong vòng thi Olympic quốc tế ở bộ môn Vật lý và các môn khác đều đã trải qua nhiều vòng tuyển chọn nên các em hoàn toàn xứng đáng về mặt năng lực.
Cụ thể, theo thông lệ, việc tuyển chọn HSG ban đầu là ở cấp trường, sau đó đến vòng quận huyện, thành phố, trong đó cả những học sinh không phải là học sinh của trường chuyên, lớp chọn đều có thể tham gia. Sau đó, những em đạt được thành tích tốt hơn sẽ được tuyển chọn vào vòng 2 thi đấu, tiếp nữa là chọn vào vòng quốc gia. Ở vòng này, rõ ràng học sinh chuyên có ưu thế hơn bởi đội ngũ giáo viên của trường chuyên giỏi hơn, được đầu tư tốt hơn và chính học sinh cũng được tuyển chọn đầu vào tốt hơn nên khi thi cử các em giành được thứ hạng tốt hơn so với đa số học sinh trường khác, đó là chuyện bình thường.
Bồi dưỡng đam mê, không tạo áp lực
Bày tỏ sự tin tưởng với việc tuyển chọn của Bộ GDĐT trong các kỳ thi này là chọn đúng nhân tài, đúng con người, ông Vượng cho biết quy trinh ra đề thi, tuyển chọn, giám sát, chấm thi… của cuộc thi Olympic đều rất chặt chẽ, nghiêm túc và được ghi hình trực tiếp bằng camera trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra. Ngay cả trong những năm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, trừ năm 2020 không tổ chức thi Olympic Vật lý quốc tế còn năm sau đó, kỳ thi diễn ra online nhưng quy trình vẫn được thực hiện và giam sát chặt chẽ như vậy.
Nhấn mạnh đến việc phát hiện, bồi dưỡng ở các trường phổ thông là nền tảng để tìm ra nhân tài, ông Vượng cho biết ở nhiều quốc gia, công tác tuyển chọn HSG của nhiều nước đều làm rất bài bản. Họ có những hiệp hội, việc tuyển chọn rất khắt khe và sau khi các em được tuyển chọn xong sẽ gần như sống cùng với những phòng thí nghiệm ở các trường ĐH và được các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực đó đào tạo trong một thời gian rất dài.
Dẫu vậy, không thể tự nhiên có sẵn những học sinh có năng lực mà phải trải qua quá trình học tập, bồi dưỡng, rèn luyện và thầy cô ở bậc phổ thông chính là người tìm ra những nhân tố tiềm năng này. Khi đã tìm được những học sinh có năng lực thì sẽ có cách để tập huấn các em đạt kết quả cao. Trong đó, tại Việt Nam kinh nghiệm là ở phần thi quốc tế, các thầy chỉ là cập nhật kiến thức mới và kỹ năng thực hành.