Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học chủ động triển khai thi học kỳ II theo hình thức trực tuyến. Không thể phủ nhận, hình thức này đang là lựa chọn tối ưu ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên sau khi triển khai, nhiều hạn chế, bất cập của thi trực tuyến dần bộc lộ.
Khi dịch Covid tái bùng phát tại Việt Nam, hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước đã cho học sinh tạm dừng đến trường. Trước tình hình đó, nhiều Sở GD&ĐT quyết định triển khai thi học kỳ II theo hình thức trực tuyến để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc kết thúc năm học.
Được biết, Thái Bình là một trong các tỉnh triển khai hình thức này tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Trước khi đưa vào sử dụng chính thức, nhiều trường đã triển khai việc thi thử trực tuyến để các em học sinh làm quen với hình thức thi mới này.
Bước đầu, hình thức này được coi là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm dịch bệnh, bên cạnh đó nhiều học sinh cũng tỏ ra khá quan ngại về việc đánh giá bài thi một cách công bằng, khách quan.
Thi trực tuyến - giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch
Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có quy định về việc kiểm tra đánh giá trong dạy học trực tuyến.
Theo đó: “Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, Hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến”.
Ở thời điểm hiện tại, thi trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Là người trực tiếp sử dụng phương thức thi mới này, em Đặng Thị Quỳnh Trang (học sinh lớp 11A6, trường THPT Chu Văn An, Thái Bình) chia sẻ: “ Em thấy tình hình dịch bệnh căng thẳng, cũng không biết bao giờ mới có thể kiểm soát. Việc Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp thi trực tuyến phù hợp, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, lại vừa có thể đánh giá kết quả học tập của chúng em”.
Quỳnh Trang cho biết đây cũng là cơ hội cho cả giáo viên và học sinh tiếp cận với hình thức thi trực tuyến chứ không chỉ dạy học trực tuyến như thời gian qua.
Trò chuyện cùng Đặng Văn Bắc (học sinh lớp 11A1, trường THPT Chu Văn An, Thái Bình) sau khi em vừa kết thúc việc thi thử online.
Bắc nói: “Lần đầu làm bài thi thử online em cũng khá bỡ ngỡ, chưa quen với hình thức này lắm. So với việc thi tập trung ở trường, thì phương thức thi này có chút mới mẻ. Ưu điểm là an toàn, nhanh gọn, tạo điều kiện cho học sinh tối đa trong mùa dịch”.
Nam sinh cho biết: “Nếu như ở trường, bọn em sẽ phải nộp phí giấy thi và đề thi thì thi online chúng em chỉ cần chọn đáp án trực tiếp trên máy, tính ra cũng tiết kiệm một phần chi phí. Hơn nữa, thi online ở nhà em thấy không gian thoải mái hơn cũng không áp lực và căng thẳng như trên trường”.
Thi trực tuyến - những bất cập đáng lo ngại
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết ngành giáo dục đã khuyến cáo các trường nếu làm kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến thì đề thi phải thiết kế phù hợp, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Bài toán đặt ra là làm thế nào để tổ chức và công nhận kết quả bài thi, bài kiểm tra trực tuyến cách công bằng, đánh giá đúng thực lực? Liệu đây có phải là hình thức tối ưu của ngành giáo dục hay vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế?
Chia sẻ vấn đề này, em Nguyễn Thị Nga (học sinh lớp 11A2, trường THPT Chu Văn An, Thái Bình) nói: “Theo em thì việc thi online là việc mà không phải học sinh hay bất kỳ giáo viên nào thích cả, nhưng do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên chúng ta vẫn đành phải chấp nhận”.
“Thi online thì việc đầu tiên chưa đánh giá chính xác về thực lực học tập: nếu thi ở nhà thì bọn em vẫn có thể đến nhà nhau và cùng làm bài. Mặt khác, phần mềm thi có thể check việc tra tư liệu ngay trên máy, tuy nhiên không thể bỏ qua trường hợp học sinh dùng tài liệu trong sách vở. Thứ hai: ứng dụng thi chưa đáp ứng được nhu cầu, nên nhiều khi đang làm bài, chưa làm xong máy tự out và nộp bài hoặc chúng em vô tình nhấn nhầm nút nộp bài khi đang thi”, Nga quan ngại.
Nữ sinh cũng cho biết không phải hộ gia đình nào cũng đáp ứng được cho con em mình những thiết bị thông minh như điện thoại, laptop,… Ngoài ra, có thể xảy ra tình huống không mong muốn khi thi đó là mất điện hoặc lỗi mạng. Bản thân em cũng là một ví dụ, bởi vì ngay trong hôm thi thử, địa phương em tổ chức sửa đường dây điện dẫn tới việc cắt điện và bị mất mạng.
Nga hy vọng trong kỳ thi chính thức sắp tới, nhà trường thiết kế đề thi phù hợp để đánh giá đúng năng lực của học sinh, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài để đảm bảo sự công bằng.