Theo Bộ Nội vụ, nội dung thi thăng hạng viên chức chưa sát với vị trí việc làm của viên chức, mang tính hình thức, chưa phản ánh thực chất năng lực.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra vào chiều 9/9, trả lời về việc bỏ thi thăng hạng viên chức đối với giáo viên, Thứ trưởng Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, việc thăng hạng viên chức với giáo viên rất quan trọng bởi không chỉ đánh giá chuyên môn mà còn liên quan đến lương, chế độ. Tuy nhiên, thi sẽ làm giáo viên phải dành thời gian ôn luyện, gây tốn kém nhưng cũng khó đánh giá thực chất năng lực của họ.
Theo ông Sơn, xét thăng hạng viên chức giáo viên sẽ đánh giá toàn diện cả quá trình, đảm bảo công bằng, minh bạch, chính xác. Bỏ thi giúp giáo viên có động lực cống hiến, gắn bó với nghề và hạn chế tình trạng thôi việc.
Liên quan đến vấn đề trên, trả lời thêm, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, theo quy định trong các luật, việc thăng hạng viên chức, nâng ngạch công chức được thực hiện theo hai hình thức thi hoặc xét. Chính phủ sẽ quyết định việc thi hoặc xét.
Tuy nhiên, từ khi tổ chức các kỳ thi thăng hạng viên chức năm 1998 đến nay gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, các bộ ngành, địa phương được tổ chức các kỳ thi thăng hạng viên chức. Nhưng nhiều đơn vị chưa ban hành thông tư hướng dẫn nên khó tổ chức thi. Các lĩnh vực có nhiều viên chức là y tế, giáo dục đều chưa có hướng dẫn thi thăng hạng.
Ông Minh cũng cho rằng, nội dung thi cũng chưa sát với vị trí việc làm của viên chức, mang tính hình thức, chưa phản ánh thực chất năng lực. Hơn nữa, để được thi, viên chức phải có chứng chỉ chuyên ngành, trong khi nhiều người chưa có vì đơn vị công tác chưa tổ chức được lớp học.
“Vì những khó khăn nêu trên nên hàng năm có rất ít kỳ thi thăng hạng viên chức được tổ chức. Nhiều viên chức có năng lực nhưng phải xếp hàng mãi chưa đến lượt thi, nhất là giáo viên. Thi thăng hạng viên chức rất tốn kém cho cả ban tổ chức, thí sinh và xã hội”, ông Minh cho hay và cho biết Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo nghị định về bỏ thi, chuyển sang xét thăng hạng để khắc phục bất cập và giảm áp lực cho viên chức.