Bộ GDĐT đã trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Có 2 kịch bản thi được Bộ đưa ra, trong đó có cả tình huống không tổ chức kỳ thi này.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hữu Độ- Thứ trưởng Bộ GDĐT, nếu học sinh (HS) có thể đi học trước ngày 15/6 thì vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 8/2020. Vì sau khi kết thúc năm học, ngày 15/7, HS cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập trước khi thi, như thời gian HS được ôn năm 2019.
Nếu tính ngày 15/4 là mốc thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình (một số nơi làm sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi HS quay lại trường (muộn nhất là 15/6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Ông Độ phân tích, nếu dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó có thi THPT quốc gia, là điều cần thiết để duy trì động lực học tập của học sinh. Nếu thi, phương thức cơ bản như năm 2019 nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Hiện nay, chương trình học kỳ 2 của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với HS.
Ông Độ cũng cho biết, nếu vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
Còn theo các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không, Bộ GDĐT cần tính toán kỹ. Bởi việc tuyển sinh của nhiều trường ĐH lâu nay phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này. Nhiều lãnh đạo Sở GDĐT, cũng như đại diện cơ sở giáo dục ĐH đều cho rằng, nên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2020 trong điều kiện có thể, để giảm thiểu những xáo trộn đặc biệt với quyền lợi người học.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đưa ra 8 lý do giữ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, trong đó có lý do nhiều HS không muốn bỏ thi. Thầy giáo này chia sẻ, qua theo dõi trên công luận có thể thấy, báo chí toàn hỏi “chuyên gia”, rất ít người hỏi ý kiến HS, trong khi 100% HS nơi thầy dạy đều mong muốn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Phân tích từ thầy giáo Trần Mạnh Tùng cũng cho rằng, hàng năm hơn 90% số trường ĐH dùng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Nếu bỏ thi, các trường sẽ phải tự tổ chức tuyển sinh. Nghe có vẻ phù hợp với Luật Giáo dục ĐH nhưng thời gian còn lại quá ít để các trường có thể lên phương án riêng, bởi các cơ sở giáo dục đều đang trong tình trạng nghỉ chống dịch. Chưa kể, nhiều trường ĐH chưa muốn tự tổ chức thi bởi phức tạp, tốn kém. Cùng với đó, việc các trường ĐH tự tổ chức thi cũng dễ nảy sinh tiêu cực hơn.
Chia sẻ với báo chí, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: Trước tình hình dịch bệnh, các trường lo lắng về kỳ tuyển sinh ĐH là việc đương nhiên và hoàn toàn chính đáng. Việc xét tuyển ĐH chỉ căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chúng ta có căn cứ để băn khoăn về chất lượng đầu vào. Nếu tuyển sinh ĐH quá dễ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc ĐH và hệ quả như chúng ta đã thấy, nhiều thí sinh đã bỏ học ngay từ năm thứ nhất vì không thể theo học tiếp tục.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phân tích, hiện nay có hiện tượng các trường nở rộ phương án tuyển sinh có nguyên nhân sâu xa là chúng ta hiểu và thực hiện chưa đúng và đầy đủ về tự chủ trong tuyển sinh. Theo đó, phương án lý tưởng là hi vọng bệnh dịch sớm kết thúc và chúng ta vẫn kịp tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia như kỳ vọng. Hai là, đành phải chấp nhận giải pháp tình thế, là phương án xét học bạ chỉ như là sơ tuyển, có thể tuyển thẳng với các em học sinh giỏi các trường chuyên, đoạt giải quốc gia, quốc tế, sau đó các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính). Điều quan trọng là dẫu tình hình dịch bệnh kéo dài, vẫn phải đặt chất lượng lên hàng đầu trong việc tuyển sinh vào ĐH.