Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, địa phương có trách nhiệm rất cao. Nhiều ý kiến đề xuất xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra sai phạm dù là tại một hay nhiều địa điểm thi trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn, khách quan cho kỳ thi ở mức cao nhất.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT 2020 đang diễn ra khẩn trương, nghiêm túc.
Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT được Bộ GDĐT công bố trước đó đã ghi rõ: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Bộ GDĐT sẽ tập trung vào một số việc: Chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng Quy chế, các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Tuy nhiên, từ những bài học thi THPT quốc gia những năm trước, nhiều ý kiến lo ngại về sự an toàn, khách quan của kỳ thi liệu có được đảm bảo khi ở nhiều khâu không có sự vào cuộc của các trường đại học (ĐH)? TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) băn khoăn: “Để quản được địa phương thì rất khó, vì địa bàn rộng, mỗi tỉnh có nhiều huyện. Thanh tra các cấp sẽ đi kiểm tra, nhưng thực ra cũng chỉ đi được 1 vòng, trong khi kỳ thi lại diễn ra cả vài ngày, thanh tra nào giám sát cho đủ, đây là điều đáng lo ngại”.
TS Ngọc cũng nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm, đã có đến 13 tỉnh suýt bị kỷ luật vì thông đồng với nhau để gian lận trong thi tốt nghiệp THPT. Nhưng thời ấy điểm tốt nghiệp riêng và thi ĐH riêng, nên nếu có xảy ra vấn đề gì cũng không quá ảnh hưởng. Nhưng kết quả kỳ thi năm nay lại được dùng để xét tuyển ĐH ở đa số các trường thì lại khác.
Giải pháp TS Quách Tuấn Ngọc đề xuất đó là cần quy toàn bộ trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương. Bởi trong nhiều vụ việc gian lận trước đây bị phát hiện, trách nhiệm của người đứng đầu rất mờ nhạt, thậm chí ít được nhắc đến. Vì vậy, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý hình sự nghiêm minh tùy theo mức độ vi phạm.
Về phía các trường ĐH, năm nay sẽ tham gia ở hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương. Bộ GDĐT sẽ huy động cán bộ, giảng viên ĐH có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác thi tham gia song một số ý kiến vẫn lo ngại nếu các trường ĐH không tham gia trực tiếp ở các khâu mà chỉ thanh tra ủy quyền thì khó có hy vọng về một kỳ thi đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cũng cho biết: Thanh tra Bộ GDĐT sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lưu động tại các sở GDĐT và tăng cường việc thanh tra kiểm tra của Bộ GDĐT tại kỳ thi. Năm 2019, Thanh tra Bộ tổ chức 34 đoàn đi 63 sở GDĐT, năm nay dự kiến 63 sở GDĐT đều có đoàn kiểm tra của Bộ.
Từ thực tế những sai phạm đã xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp kỹ thuật cũng chỉ hạn chế phần nào sai phạm, mà điều quan trọng vẫn là yếu tố con người. Vì vậy, chính quyền, ngành GDĐT các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong mỗi khâu của quá trình tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, khách quan, kết quả thi đánh giá đúng năng lực HS.