Trong khi chờ đợi Bộ GDĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều học sinh, phụ huynh bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án thi với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.
Mong muốn giảm áp lực thi cử
Năm 2025 là năm đầu tiên, lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, số môn thi, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
Hiện, Bộ GDĐT đang lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, Bộ tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo ba phương án.
Phương án 4+2 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3 + 2 là thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn.
Như vậy, quá trình khảo sát có đề xuất thêm phương án chỉ thi 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn (bao gồm cả Ngoại ngữ và Lịch sử). Theo ghi nhận của phóng viên, phương án giảm môn thi bắt buộc đang nhận được sự đồng tình của đa số học sinh và phụ huynh.
Chị Nguyễn Thùy Linh, phụ huynh tại Hà Nội cho rằng, giảm số môn thi bắt buộc đồng nghĩa với giảm áp lực thi cử cho học sinh và cả các gia đình. Số buổi thi sẽ giảm so với hiện nay là 6 môn thi. Như vậy sẽ giảm áp lực học và thi, phù hợp, nhẹ nhàng.
Không có điều kiện cho con học thêm môn Tiếng Anh nên chị Phùng Ngọc Trâm, phụ huynh tại Bắc Kạn ủng hộ phương án môn Toán và Ngữ văn là hai môn thi bắt buộc. Theo chị Trâm, không phải học sinh nào cũng có khả năng học ngoại ngữ, nhất là học sinh ở vùng nông thôn. Việc bắt buộc những học sinh đấy thi ngoại ngữ là thiệt thòi cho các con.
Học thêm kín lịch trong tuần là tình trạng chung của hầu hết học sinh bậc THPT vì vậy, hầu hết các em đều bày tỏ mong muốn giảm số môn thi bắt buộc.
Dù yêu thích môn Lịch sử nhưng em Đinh Vân Khánh, học sinh lớp 11 Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) chia sẻ: “Môn Lịch sử rất quan trọng nhưng không nhất thiết bắt buộc phải thi tốt nghiệp bởi nếu chỉ học để thi thì chúng em cũng chỉ học đối phó thi cho xong rồi cũng nhanh quên thôi”.
Bày tỏ lo lắng khi tới thời điểm này Bộ GDĐT vẫn chưa chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, em Đỗ Quang Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) hy vọng, Bộ sẽ giảm số môn thi bắt buộc để không gây ảnh hưởng đến việc định hướng học tập.
Đủ cơ sở tuyển sinh đại học
Tìm hiểu trên nhiều diễn đàn mạng xã hội về giáo dục, chủ đề về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được đưa ra bàn luận, thu hút hàng nghìn ý kiến góp ý, trong đó có không ít giáo viên.
Trên một diễn đàn giáo dục có gần 140.000 thành viên, phương án thi tốt nghiệp với 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn được đánh giá là “hợp tình, hợp lý”. Một giáo viên nêu quan điểm: “Gần 40 năm dạy học, qua mấy kỳ đổi mới, tôi thấy phương án 2+2 là phù hợp, đúng Luật Giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển và đánh giá năng lực toàn diện của người học”.
Theo đó, học sinh theo khối tự nhiên có thể chọn thi các môn: Hóa – Lý hoặc Hóa – Sinh, Lý – Tin, Hóa – Công nghệ; học sinh theo khối Xã hội có thể chọn thi các môn: Sử – Địa, Địa – Công nghệ, Sử – Mỹ Thuật hoặc Ngoại Ngữ - Sử… Như vậy, ngoài 2 môn Toán và Ngữ văn, thí sinh lựa chọn 2 môn thi theo khối/ngành phù hợp với năng lực của các em.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) đánh giá, sự chuẩn bị của Bộ GDĐT về việc lấy ý kiến và nghiên cứu phương án thi tốt nghiệp THPT là cẩn thận, song đối tượng lấy ý kiến các tầng lớp xã hội chưa có phản hồi nhiều, do cách xin ý kiến của Bộ chỉ treo lên trang web của Bộ trong 60 ngày.
Về phương án thi, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống ủng hộ phương án 2+2. Sở dĩ có sự ủng hộ này bởi theo ông, phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GDĐT nêu lên, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội: “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên “việc chỉ thi 2 môn bắt buộc có đủ làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống phân tích, Toán và Ngữ văn là 2 môn tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài 2 môn bắt buộc, thí sinh sẽ lựa chọn 2 môn thi là thế mạnh của bản thân. Như vậy các trường đại học hoàn toàn có đủ cơ sở để xét tuyển đầu vào.
Tuy nhiên, nếu phương án này thành hiện thực, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng: “Vấn đề đặt ra với các cơ sở giáo dục đại học là xây dựng các phương án tổ hợp theo đúng hướng lựa chọn môn học của kỳ thi tốt nghiệp THPT, như vậy mới đồng bộ”.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: “Không phải thích là có thể bỏ được kỳ thi tốt nghiệp THPT”
Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng cao, dư luận đang đặt vấn đề rằng có cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không, nếu cần thì Bộ GDĐT nên giải thích tại sao lại cần? Vấn đề này, Bộ GDĐT cũng đã lên tiếng nhưng cách truyền thông của Bộ vẫn chưa đi đến rộng rãi nhân dân.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải thích là có thể bỏ được bởi muốn bỏ kỳ thi này thì cần phải sửa Luật Giáo dục, sửa yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội và nhiều vấn đề liên quan khác nữa.
Mặt khác, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học tự tổ chức thi đầu vào, nghĩa là quay trở lại cách thức tổ chức thi đại học như trước đây. Việc này sẽ kéo theo hàng loạt hệ quả như: vấn nạn từ các ổ luyện thi đại học, sai sót trong việc ra đề thi. Một nơi ra đề còn không tránh khỏi sai sót huống hồ hàng trăm trường đại học ra đề thì sai sót sẽ tới mức nào.